Hà NộiBệnh nhân nam 52 tuổi, sốt 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run nhưng không khám, sau đó nhập viện cấp cứu vì khó thở, được bác sĩ phát hiện mắc bệnh sốt mò. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân đội 108 trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt, đau ngực. Trước khi đến viện, bệnh nhân sốt kéo dài 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run, có vết loét vảy đen 2 cm ở vùng đùi phải, rỉ dịch. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với Rickettsia - loại vi khuẩn gây bệnh sốt mò, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Sau một tuần tích cực điều trị, người đàn ông hết sốt, tự thở tốt, huyết áp ổn định. Ngày 3/7, TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, cho biết đây là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan không đến cơ sở y tế khám bệnh kịp thời, dẫn đến biến chứng, nguy hiểm tính mạng. "Bệnh sốt mò do loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia gây ra. Nếu không phát hiện kịp thời, có hướng điều trị đúng, sốt mò biến chứng nguy hiểm, có thể gây viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí là tử vong", bác sĩ Mạnh nói. Vết mò cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Bác sĩ khuyến cáo nếu sốt cao đột ngột, kéo dài, kèm rét run, đau đầu, đau mỏi người; da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết... cần đi khám ngay. Dấu hiệu đặc trưng về vết loét bệnh sốt mò là hình bầu dục, kích thước từ 0,5 đến 2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy, tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch, thường không đau, không ngứa, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ. Các dấu hiệu khác như ban ngoài da, sưng hạch lympho, gan, lách to, một số trường hợp có thể có vàng da. Ngoài ra, người bệnh thường có triệu chứng ho, khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong. Để phòng bệnh, người dân nên thường xuyên phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau một lần sử dụng. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress