Phía sau cuộc chiến giá iPhone tại Việt Nam

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jul 1, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 144)

    Các hệ thống bán lẻ đua nhau hạ giá, giúp người dùng mua iPhone với giá tốt nhưng có nguy cơ bị cắt giảm về chất lượng dịch vụ.


    Cuối tháng 4, Thế giới Di động bắt đầu chiến dịch "Giá rẻ quá" dành cho iPhone 14. Ngay sau đó, FPT Shop nhập cuộc cùng khẩu hiệu "Ở đâu rẻ quá, ở đây rẻ hơn". Hàng loạt hệ thống nhỏ hơn như Di Động Việt, CellphoneS, Viettel Store cũng nhanh chóng tham gia với cam kết như "Rẻ hơn rẻ quá", "Rẻ hơn các loại rẻ".

    iPhone hạ giá trong mùa thấp điểm vốn là điều bình thường. Tuy nhiên năm nay, cuộc chiến diễn ra khốc liệt khi các cửa hàng liên tục so kè và điều chỉnh để bên mình thấp hơn đối thủ, đôi khi chỉ 10.000 đồng. Sau hai tháng rượt đuổi giá giữa các hệ thống, iPhone 14 Pro Max - mẫu điện thoại cao cấp nhất của Apple - hiện chỉ còn khoảng 26 triệu đồng, thấp hơn 5 triệu đồng so với hồi đầu năm.

    Đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết về bề nổi, áp lực kinh tế toàn cầu đi xuống dẫn đến sức mua yếu, các nhà bán lẻ buộc phải giảm giá để thu hút người dùng. Tuy nhiên, phía sau cuộc đua phức tạp hơn thế. Trên danh nghĩa kích cầu tiêu dùng, một số hệ thống có quy mô lớn đang tận dụng cơ hội này để lấy thêm thị phần từ những hệ thống nhỏ hơn.

    Trước đây, các cửa hàng nhỏ thu hút khách bằng việc bán iPhone chính hãng với giá rẻ hơn từ vài trăm nghìn đến hai triệu đồng so với ở đại lý lớn. Trong khi đó, hiện giá ở các bên đã ngang nhau, chênh lệch không đáng kể. Lúc này, bằng thế mạnh về độ phủ và tài chính, các ông lớn càng dễ thống lĩnh thị trường.

    Với kinh nghiệm hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực di động, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống Mai Nguyên, đánh giá thị trường đang trong giai đoạn bất thường. "Kinh doanh nhưng lại đua 'rẻ hơn' thì chắc chắn không có lợi nhuận. Không lợi nhuận sẽ không thể tồn tại lâu", ông nhận định.

    Các chuyên gia phân tích thị trường dẫn chứng mô hình đánh đổi dịch vụ để lấy giá siêu rẻ sẽ khó tồn tại ở Việt Nam. Trước đó vào tháng 8/2019, Thế giới Di động khai trương chuỗi Điện thoại siêu rẻ nhưng nhanh chóng thất bại. Cùng một chủ sở hữu, Điện thoại siêu rẻ bán máy rẻ hơn Thế giới Di động từ vài trăm đến một triệu đồng. Đổi lại, hệ thống bị cắt giảm diện tích, số lượng nhân viên, trong khi khách hàng không được bảo hành tại nơi mua mà phải lên trung tâm của hãng. Do đó, dù rẻ, Điện thoại siêu rẻ vẫn bị người dùng quay lưng. Sau chưa đầy một năm, mô hình này đã đóng cửa.


    [​IMG]

    Khẩu hiệu giá rẻ trên trang chủ của một hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Ảnh: Khương Nha


    Một số nhà bán lẻ lo ngại cuộc đua đạp giá hiện nay có dấu hiệu đi vào vết xe đổ trên. Để tham chiến "rẻ hơn các loại rẻ", họ phải bán hàng lợi nhuận thấp, trong khi gánh thêm chi phí về mặt bằng, nhân viên.

    Tuy nhiên, nhìn ở chiều tích cực, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Shop, cho rằng giai đoạn cạnh tranh khốc liệt này cũng sẽ là phép thử về tiềm lực của nhà bán lẻ trên thị trường.

    Rủi ro về lâu dài

    Thạch Thảo, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết cô dự định mua iPhone 13 Pro Max. "Chỉ sau một ngày, cùng model, cùng hệ thống, iPhone có thể đã hạ thêm vài trăm nghìn đồng", cô nói.

    Tuy nhiên, cô chỉ được chọn một chương trình khuyến mãi, thay vì cả ba như trước. Để hưởng chế độ như cũ, nhân viên tư vấn mua thêm gói bảo hành, dịch vụ riêng, chi phí 2-5 triệu đồng.

    Theo các chuyên gia, việc giảm ưu đãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng là đương nhiên khi nhiều hệ thống đang phải bán dưới mức hòa vốn. "Cuộc chiến về giá có lợi cho người tiêu dùng khi có thể mua sắm sản phẩm với giá hợp lý. Tuy nhiên, nó tác động tiêu cực đến nhà bán lẻ khi lợi nhuận thấp, đồng nghĩa chi phí về dịch vụ có thể bị cắt giảm. Lâu dài, thị trường có thể rơi vào thế độc quyền, người dùng sẽ còn ít lựa chọn hơn", đại diện một cửa hàng cho hay.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Kha nhận định: "Một đợt điều chỉnh giá mạnh để kích cầu diễn ra sớm hơn một nhịp so với mọi năm khiến thị trường rơi vào tình huống đạp giá mất kiểm soát. Trong ngắn hạn, người dùng hưởng lợi khi mua rẻ nhưng trong tương lai, khách hàng sẽ sẽ ít có sự lựa chọn hơn về điểm mua và sẽ phải chấp nhận giá cao", ông Kha nhận định.

    Còn theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cuộc chiến giá đang làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của hầu hết nhà bán lẻ. Dễ thấy nhất là tình trạng đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả hay dừng mở mới. Một số chuỗi đánh đổi bằng việc sa thải nhân viên hàng loạt, cắt bỏ chỉ số chất lượng dịch vụ để ưu tiên doanh số.

    Ví dụ, CellphoneS cho biết trong 6 tháng đầu năm, doanh thu dự kiến của hệ thống chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong nhiều năm qua. Hệ thống cũng phải đóng ba cửa hàng. "Các chỉ số lợi nhuận bị giảm sút do cạnh tranh, nhiều nhóm ngành hàng phải bán dưới giá vốn", ông Huy nói.

    Trước những diễn biến phức tạp, ông Kha nhận định thị trường smartphone Việt trong ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán lẻ hiện chủ yếu để giữ doanh số và thị phần. Ông kỳ vọng trong quý IV/2023, khi iPhone mới ra mắt, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

    Khương Nha


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Phía sau cuộc chiến giá iPhone tại Việt Nam

Share This Page