Biến đổi khí hậu mở ra kỷ nguyên muỗi

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 1, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 101)

    Nhiệt độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh ở những nơi trước đây chúng không thể sinh sống.


    [​IMG]

    Muỗi Anopheles stephensi, có thể mang mầm bệnh sốt rét, đang hút máu người. Ảnh: James Gathany/CDC/Handout/Reuters


    Có rất ít kẻ chiến thắng trong cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng các nhà khoa học khá chắc chắn rằng trong số đó có muỗi, CNN hôm 29/6 đưa tin. Loại côn trùng này phát triển mạnh ở nơi ấm áp và ẩm ướt. Biến đổi khí hậu khiến những đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, bão và lũ lụt cũng vậy. Những hiện tượng này để lại nhiều vũng nước tù đọng, nơi hầu hết muỗi sinh sản.

    Nhiệt độ tăng cho phép muỗi phát triển nhanh hơn và sống lâu hơn. Trước đây, chúng sẽ chết trong mùa đông khắc nghiệt ở nhiều nơi, nhưng giờ chúng có cơ hội sống sót cao hơn và có nhiều thời gian hơn để phát triển quần thể. Nhiệt cũng rút ngắn thời gian cần thiết để ký sinh trùng hoặc virus trưởng thành bên trong muỗi.

    "Nhiệt độ càng cao thì quá trình đó càng ngắn lại. Vì vậy, muỗi không chỉ sống lâu hơn mà còn có khả năng truyền bệnh sớm hơn", Oliver Brady, phó giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, cho biết.

    Muỗi cũng thu được những lợi ích khác từ nhiệt. Khi trời nóng hơn, nhiều người có xu hướng ra ngoài vào buổi sáng và chiều muộn - thời điểm vàng cho muỗi.
    Nhiệt độ cao cũng thúc đẩy các thành phố tăng lượng không gian xanh để làm mát, nhưng cũng có thể cung cấp nơi sinh sản mới lý tưởng cho những côn trùng hút máu này.

    Tại Mỹ, số "ngày muỗi" - ngày có điều kiện nóng ẩm mà muỗi yêu thích - đã tăng lên, theo phân tích của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central. Các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu 40 năm tại gần 250 địa điểm và nhận thấy, hơn 70% trong số đó trở nên thân thiện hơn với muỗi.

    Ở khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi bệnh sốt rét đã gây ra những hậu quả thảm khốc, biến đổi khí hậu đang giúp muỗi mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động. Trung bình, muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét di chuyển lên cao hơn khoảng 6,5 m và đi về phía nam xa hơn gần 5 km mỗi năm, theo Đại học Georgetown.

    Colin Carlson, nhà sinh vật tại Đại học Georgetown, cho biết, đó là tốc độ diễn ra sau biến đổi khí hậu và có thể gây hậu quả lớn với những khu vực trước đây chưa từng bị sốt rét và chưa sẵn sàng ứng phó.


    [​IMG]

    Một công nhân phun thuốc chống muỗi Aedes aegypti để ngăn bệnh sốt xuất huyết lây lan trong một khu phố ở Piura, miền bắc Peru, ngày 11/6/2023. Ảnh: Ernesto Benavides/AFP/Getty


    Sốt xuất huyết, một căn bệnh có khả năng gây chết người khác, cũng có thể gia tăng khi thế giới ấm lên. Peru đang vật lộn với đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất từng ghi nhận với khoảng 150.000 người nhiễm và hơn 250 người tử vong.

    Các chuyên gia cho rằng lượng mưa và nhiệt độ cao bất thường đã cung cấp điều kiện lý tưởng cho muỗi. Giới khoa học chưa đánh giá được chính xác vai trò của biến đổi khí hậu trong đợt bùng phát, nhưng Carlson nhận xét, sự liên quan có vẻ khá rõ ràng.

    Hiện tại, sốt xuất huyết đang "gõ cửa" châu Âu và Mỹ. "Sẽ có thêm một tỷ người sống trong điều kiện thời tiết thích hợp để sốt xuất huyết lây lan, và đa số họ ở Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc ôn đới", Carlson nói.

    Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn khó có thể hứng chịu những đợt bùng phát lớn, hay có số lượng lớn trường hợp tử vong do virus sốt xuất huyết. "Câu chuyện về sự thay đổi trong tương lai thực chất liên quan nhiều hơn đến sự gia tăng mạnh ở những nơi vốn đã có dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều", Brady nói.

    Ông chỉ ra, Trung Quốc và một số vùng của Ấn Độ có nguy cơ đặc biệt cao. "Đó là một tình huống thực sự đáng sợ vì có rất nhiều người sống tại đây và những thay đổi nhỏ cũng có thể dẫn đến thảm họa", ông nói.

    Các cộng đồng vốn ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những bệnh lây truyền do muỗi, theo Shannon LaDeau, nhà sinh thái bệnh học tại Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary.

    Sự di chuyển của các bệnh này đến khu vực như Mỹ và châu Âu vẫn có thể là một cú sốc. "Những người sống ở vùng ôn đới sẽ đối mặt với việc thay đổi đáng kể lối sống vì trước đây, họ chưa bao giờ phải lo lắng về điều đó", LaDeau nhận định.


    [​IMG]

    Trứng muỗi nổi bên cạnh một con muỗi chết trên mặt nước trong bẫy do Cơ quan Y tế và Sức khỏe Louisville Metro đặt tại Louisville, bang Kentucky, vào ngày 25/8/2021. Ảnh: Jon Cherry/Getty


    Cuộc khủng hoảng khí hậu không phải chỉ mang lại lợi ích cho muỗi. Một số nơi có thể trở nên quá nóng với chúng. "Có một ngưỡng mà nếu vượt quá, các chất hóa học trong cơ thể chúng không hoạt động nữa. Tin xấu là những nơi này cũng có thể sẽ quá nóng với con người", LaDeau nói.

    Giới chuyên gia vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cách muỗi phản ứng với khủng hoảng khí hậu. Gossner cho biết, mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh tật rất phức tạp. Theo Carlson, con người đã biết nhiều về cách nhiệt độ thay đổi khả năng truyền bệnh của muỗi, biết một chút về tốc độ di chuyển của muỗi đến những nơi mới và chỉ biết rất ít về sự tăng trưởng của các quần thể muỗi nói chung. Hiện tại, giới khoa học đang nỗ lực phát triển những công cụ giúp đánh giá tốt hơn mối liên hệ giữa bệnh lây truyền do muỗi với biến đổi khí hậu.

    Thu Thảo (Theo CNN)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Biến đổi khí hậu mở ra kỷ nguyên muỗi

Share This Page