Viện Nghiên cứu Khảo cổ Phòng ngừa Quốc gia Pháp (INRAP) phát hiện nghĩa địa với hơn 80 ngôi mộ gần Lac du Bourget, tỉnh Savoie. Minh họa một bộ xương vùi trong lòng đất. Ảnh: iStock/Getty Nghĩa địa nhiều khả năng tồn tại từ thời Merovingian, khoảng thế kỷ 7, Newsweek hôm 29/6 đưa tin. Đây là nghĩa địa lớn và quan trọng nhất từng được khai quật ở Savoie. Merovingian là vương triều của người Frank, tồn tại từ giữa thế kỷ 5 đến năm 751. Khoảng năm 500, vua Clovis I của vương triều này bắt đầu theo Kitô giáo. Nhóm khảo cổ nhận thấy, các bộ xương bên trong khu mộ đều quay mặt về hướng đông. Đây được cho là một phần trong nghi thức chôn cất của Kitô giáo - đặt người chết quay về phía Jerusalem. Đây là bước chuyển dịch từ tập tục chôn nhiều người trong cùng một ngôi mộ những năm trước đó. "Các xương cánh tay hơi nhô lên và hướng vào trong. Chắc chắn có một bức tường gỗ giữ người quá cố trong trạng thái cân bằng không ổn định", Jean-Luc Gisclon, nhà khảo cổ kiêm nhà nhân chủng học tại INRAP, nhận định. Nhóm chuyên gia cũng phát hiện, các bộ xương được chôn cất với rất ít đồ đạc, thậm chí không có mấy quần áo. Do đó, họ cho rằng người chết bị lột trần trước khi chôn. "Có một ít quần áo và đồ trang trí, nhưng thực sự không đáng kể so với số lượng người chết. Điều này gây khó khăn cho việc xác định tầng lớp xã hội của họ. Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, họ đều bị lột trần trước cái chết", Julien Blanco, một nhà khảo cổ học kiêm nhà nhân chủng học khác tại INRAP, cho biết. Các nhà khoa học INRAP hy vọng có thể nghiên cứu thêm về nghĩa địa ở Savoie và sử dụng những gì họ phát hiện được để hiểu thêm về người xưa, bao gồm cả tín ngưỡng và cuộc sống thường nhật của họ. Thu Thảo (Theo Newsweek) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress