Hồ nước ô nhiễm có thể lấy mạng người đứng gần

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jun 29, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 122)

    NgaHồ Karachay nhiễm phóng xạ mạnh đến mức người đứng tắm nắng trên bờ hồ một tiếng cũng có thể mất mạng.


    [​IMG]

    Hình dạng của hồ Karachay. Ảnh: Google Maps/Amanda Macias/Business Insider


    Karachay là hồ nhiễm phóng xạ mạnh nhất thế giới, nằm ở phía nam dãy núi Ural, miền trung nước Nga, IFL Science hôm 28/6 đưa tin. Tên gọi của hồ nghĩa là "nước đen" hoặc "con lạch đen" trong tiếng địa phương, ám chỉ mức độ ô nhiễm trầm trọng của nó.

    Karachay nhiễm phóng xạ nặng sau khi được sử dụng như một bãi thải của Liên Xô trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Cách hồ không xa là khu phức hợp hạt nhân Mayak rộng tới khoảng 90 km2. Được xây từ những năm 1940 để sản xuất plutonium cho dự án bom nguyên tử của Liên Xô, cơ sở hạt nhân đồ sộ này là một phần của Chelyabinsk-65, thành phố khép kín và bí mật đến mức không xuất hiện trên bản đồ cho đến năm 1989.

    Để bắt kịp Mỹ sau khi nước này thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, việc xây dựng Mayak được tiến hành gấp gáp mà không quan tâm nhiều đến cách xử lý chất thải thích hợp. Đến năm 1951, Liên Xô gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng Karachay làm hồ chứa để ngăn chất thải phóng xạ tràn vào sông Techa.

    Viện Worldwatch, tổ chức nghiên cứu môi trường có trụ sở tại Mỹ, từng gọi đây là "nơi ô nhiễm nhất Trái Đất", cho thấy vấn đề nghiêm trọng của hệ sinh thái địa phương.

    Ước tính có 500 triệu curie (đơn vị đo phóng xạ) nguyên tử nuclide phóng xạ beta được đổ vào hồ Karachay khoảng những năm 1950, theo một báo cáo do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chia sẻ. Nguy hiểm không chỉ đến từ những thứ bên trong hồ. Nước phóng xạ cũng thấm vào nước ngầm, lan ra xa khoảng 4,8 km so với hồ và gây rắc rối lớn.

    Quy mô ô nhiễm trở nên rõ ràng vào mùa hè năm 1967, khi xảy ra hạn hán. Lòng hồ khô cạn và bụi bị cuốn bay tới những khu dân cư gần đó, khiến hàng chục ngôi làng địa phương nhiễm phóng xạ ở mức cao.

    Những năm 1990, sau khi hồ không còn là bãi thải, mức phóng xạ 600 roentgen (đơn vị đo sự phơi nhiễm phóng xạ) được ghi nhận cách mép hồ 10 m, theo Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên. Con người sẽ mất mạng nếu đứng ở đây quá lâu. Mức phơi nhiễm 100 roentgen đã đủ để gây bệnh phóng xạ và 400 roentgen có thể giết chết đa số nạn nhân trong vòng một tháng phơi nhiễm.

    Khi sự tồn tại của Mayak được thừa nhận trong bối cảnh Liên Xô tan rã năm 1991, tác động của phóng xạ tại hồ Karachay cuối cùng cũng được tiết lộ. Theo báo cáo, tỷ lệ mắc ung thư tăng 21% với những người sống ở địa phương, tỷ lệ dị tật bẩm sinh tăng 25% và tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu tăng 41%.

    Trong những năm gần đây, một dự án dọn dẹp trị giá 263 triệu USD đạt được một số thành công nhất định. Năm 2016, tổ chức Kỹ thuật Hạt nhân Quốc tế báo cáo, hồ Karachay đã được lấp đầy bằng đất đá và các khối bê tông chuyên dụng. Theo website của Mayak, quá trình giám sát trong 10 tháng đầu tiên sau khi bịt kín hồ cho thấy sự lắng đọng nuclide phóng xạ trên bề mặt giảm rõ rệt, mức phóng xạ trong nước ngầm vẫn nằm trong giới hạn và không cần lo ngại. Tuy nhiên, theo báo cáo mà IAEA chia sẻ, kể cả khi hồ Karachay biến mất vĩnh viễn khỏi Trái Đất, những vấn đề liên quan đến nó sẽ vẫn còn tồn tại.

    Thu Thảo (Theo IFL Science)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Hồ nước ô nhiễm có thể lấy mạng người đứng gần

Share This Page