Các nhà nghiên cứu cho rằng thiết kế thành phố thẳng The Line dài 170 km không tối ưu về mặt giao thông đi lại và tính bền vững. Đồ họa:NEOM Hồi tháng 10/2022, Arab Saudi khởi công dự án xây dựng Thành phố thẳng (The Line). Trong khi một số người xem đây là thành phố sinh thái lý tưởng, các nhà nghiên cứu đến từ tổ chức Complexity Science Hub nhận định The Line không phải là kiểu mẫu cho thành phố tương lai. Nhóm nghiên cứu giải thích lý do trong bài báo công bố trên tạp chí npj Urban Sustainability, Phys.org hôm 27/6 đưa tin. Theo kế hoạch, The Line là thành phố xây mới từ đầu trên sa mạc. Dự án bao gồm hai dãy nhà chọc trời liền mạch khổng lồ với không gian sinh sống ở giữa. Tòa nhà chọc trời nằm ngang này sẽ dài 170 km, rộng 200 m và cao 500 m, cao hơn bất kỳ tòa nhà nào ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ Latinh, trải dài từ Biển Đỏ tới phía đông. Dự kiến 9 triệu người có thể sinh sống tại đây, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào ở Arab Saudi. Dân số này tương đương với mật độ 265.000 người/km2, gấp 10 lần Manhattan và gấp 4 lần quận trung tâm của Manila, nơi có những khu phố đông nhất thế giới hiện nay. "Chúng tôi chưa thể xác định làm thế nào để có thể thu hút nhiều người như vậy ở một đất nước cỡ vừa", Rafael Prieto-Curiel, người chuyên nghiên cứu các thành phố ở Complexity Science Hub, cho biết. Ngoài ra, có nhiều vấn đề nảy sinh về mặt di chuyển. Theo Prieto-Curiel, đường thẳng có thể là hình dạng kém hiệu quả nhất với một thành phố. Nhân loại có 50.000 thành phố và tất cả đều tròn theo cách nào đó. Nếu chúng ta chọn ngẫu nhiên hai người ở The Line, trung bình họ ở cách nhau 57 km. Tại Johannesburg, thành phố lớn gấp 50 lần The Line, hai người bất kỳ chỉ cách nhau 33 km. Giả định khoảng cách đi bộ ở The Line là một kilomet, chỉ 1,2% dân số ở trong phạm vi đi bộ từ nhà nhau. Điều này sẽ cản trở người dân chủ động đi lại, khiến mọi người phụ thuộc vào giao thông công cộng. Theo kế hoạch, phương tiện trụ cột của giao thông công cộng là hệ thống đường sắt tốc độ cao. Để mọi người ở trong phạm vi đi bộ từ ga tàu, cần có ít nhất 86 ga, theo nhà nghiên cứu Dániel Kondor. Kết quả là tàu mất nhiều thời gian dừng ở ga và không thể đạt tốc độ cao giữa hai ga bất kỳ. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, mỗi chuyến đi sẽ mất trung bình 60 phút và ít nhất 47% dân số ở The Line thậm chí mất thời gian di chuyển dài hơn. Ngay cả khi có thêm đường tàu cao tốc, lợi ích vẫn hạn chế do cần thêm thời gian trung chuyển. Kết quả là người dân vẫn đi lại lâu hơn so với những thành phố lớn khác như Seoul, nơi 25 triệu người di chuyển trong chưa đầy 50 phút. Nghiên cứu chỉ ra mọi người muốn hạn chế thời gian đi lại, vì vậy giao thông hiệu quả đóng vai trò chủ chốt trong thành công của thành phố. "Các thành phố không chỉ là tập hợp những khu phố bán cách biệt nằm cạnh nhau. Điều khiến một thành phố khác với nơi định cư nhỏ hơn không chỉ nằm ở kích thước của nó mà cả cơ hội bên ngoài khu phố như đi xem hòa nhạc hoặc tìm kiếm việc làm. Vì lý do này, chúng ta cần cân nhắc giao thông trên toàn thành phố", Kondor giải thích. Nếu chuyển thành phố thẳng "The Line" thành thành phố tròn "The Circle" với bán kính 3,3 km, khoảng cách giữa hai người bất kỳ chỉ là 2,9 km và 24% dân số sẽ ở trong phạm vi đi bộ từ nhà nhau. Họ có thể chủ động phần lớn việc đi lại (đi bộ, đạp xe...), khiến hệ thống đường sắt cao tốc trở nên không cần thiết. Thay vào đó, The Circle có tính kết nối cao thậm chí với mật độ thấp hơn, loại bỏ nhu cầu xây tòa nhà siêu cao. Dự án The Line nhấn mạnh vào tính bền vững ở nhiều mặt. Ví dụ, không có xe hơi trên quãng đường tương đương 5 phút đi bộ. Điều này không chỉ tiết kiệm nhiều diện tích dành cho cơ sở hạ tầng và bãi đỗ xe mà còn giảm lượng xe cộ. Hơn nữa, tất cả năng lượng sẽ được sản xuất mà không thải carbon. Tuy nhiên, thứ không được nhắc đến ở đây là việc xây dựng nhà chọc trời đòi hỏi nhiều vật liệu và năng lượng. "Nhìn chung, có nhiều cân nhắc khác góp phần vào quyết định lựa chọn hình dạng độc đáo này như quảng bá hoặc tạo video trên mạng xã hội. Dù vậy, việc hiểu rõ hệ quả rất quan trọng, đặc biệt nếu The Line được xem như kiểu mẫu của công nghệ xây dựng và quy hoạch đô thị hiện đại", Prieto-Curiel nói. An Khang (Theo Phys.org) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress