Trung Quốc hôm 22/6 hoàn thành lắp đặt đường ống nước sâu dài 115,5 km dùng để vận chuyển dầu khí. Đường ống nằm ở độ sâu 1.000 m dưới biển. Ảnh: CNOOC Đường ống mới lắp đặt là một phần quan trọng trong giai đoạn II của dự án giai đoạn xây trạm năng lượng siêu sâu dưới nước đầu tiên do Trung Quốc phát triển độc lập mang tên Shenhai-1, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021, theo CGTN. Giai đoạn II của dự án bắt đầu xây dựng vào tháng 11 năm ngoái, cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc 130 km, giữa mỏ khí Yacheng 13-1 và trạm năng lượng Shenhai-1. Độ sâu hoạt động tối đa trong khu vực là gần 1.000 m. Sau khi hoạt động, dự án giai đoạn II dự kiến sẽ tăng sản lượng tối đa hàng năm của Shenhai-1 từ 3 tỷ m3 lên 4,5 tỷ m3. Nhằm phát triển hiệu quả và tiết kiệm dự án giai đoạn II, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiên phong ứng dụng mô hình mới. Mô hình này bao gồm hệ thống sản xuất dưới biển, giàn xử lý chân đế nước nông và hệ thống điều khiển từ xa cho giàn khoan bán chìm nước sâu, theo Wu Hualin, phó giám đốc phụ trách cáp và đường ống ở dự án Shenhai-1 giai đoạn II tại chi nhánh Hải Nam của CNOOC. Đường ống dưới nước đóng vai trò như "cứu cánh" giúp đảm bảo vận chuyển dầu khí ngoài khơi trôi chảy. Dự án giai đoạn II tập trung vào mỏ khí áp suất cao nước sâu đầu tiên của Trung Quốc. Dầu khí khai thác từ mỏ có thành phần phức tạp, đồng thời chịu nhiệt độ và áp suất cao. Đường ống thông thường không thể đáp ứng các yêu cầu sản xuất. Vì vậy, CNOOC sử dụng biện pháp kết hợp 114 km đường ống thép liền mạch đường kính lớn và 1,5 km đường ống composite lưỡng kim trong môi trường nước sâu để vận chuyển dầu khí. An Khang (Theo CGTN) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress