Thiết kế khác thường có thể dẫn tới thảm kịch tàu Titan

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jun 24, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 87)

    Thiết kế hình trụ và cấu tạo từ vật liệu sợi carbon khác với tàu lặn thông thường có thể khiến tàu Titan không chịu được áp lực dưới biển sâu.


    [​IMG]

    Phần thân hình trụ có thể khiến áp suất phân bố không đều trên bề mặt tàu. Ảnh: AP


    Tàu lặn Titan bị ép nát dấy lên nhiều câu hỏi liệu phương tiện khám phá xác tàu Titanic có định sẵn sẽ gặp thảm kịch do thiết kế khác thường của nó và nhà sản xuất từ chối kiểm tra độc lập theo tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp. Cả 5 người trên tàu lặn Titan đã chết khi phương tiện bị nghiền nát gần xác tàu đắm nổi tiếng nhất thế giới, theo xác nhận của chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger hôm 22/6. Nhà chức trách kết thúc nỗ lực tìm kiếm từ hôm 18/6 sau khi tàu Titan mất liên lạc với tàu mẹ ở Bắc Đại Tây Dương, theo AP.

    Tàu Titan do công ty OceanGate Expeditions sở hữu và vận hành, lần đầu tiên chở người tới xác tàu đắm Titanic năm 2021. Con tàu được mô tả có cabin hình trụ rộng rãi hơn, làm từ sợi carbon, khác với cabin hình cầu làm từ titan mà phần lớn tàu lặn sử dụng. Tuy nhiên, theo Chris Roman, giáo sư ở Trường cao học Hải dương học thuộc Đại học Rhode Island, hình cầu là hình dạng hoàn hảo bởi áp suất nước tác động đều lên mọi khu vực. Roman không ở trên tàu lặn Titan nhưng từng thực hiện vài chuyến lặn sâu với Alvin, con tàu vận hành bởi Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts.

    Dài 6,7 m và nặng 10.432 kg, dù vẫn chật chội với sức chứa tối đa 5 người, thể tích bên trong lớn hơn của Titan có nghĩa con tàu chịu nhiều áp suất ngoài hơn. Không gian cabin kéo dài trong tàu lặn làm tăng lực nén ép ở phần giữa, khiến sức chịu đựng của vật liệu giảm đi và áp lực tách lớp tăng lên, Jasper Graham-Jones, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng hải ở Đại học Plymouth, Anh, cho biết. Ngoài ra, lớp vỏ dày 12,7 cm của tàu Titan chịu áp lực lặp lại nhiều lần trong hàng chục chuyến lặn trước đó. Mỗi chuyến đi tạo ra những vết nứt nhỏ trong cấu trúc. "Ban đầu vết nứt có thể nhỏ và khó phát hiện nhưng sẽ mau chóng mở rộng và vượt ngoài tầm kiểm soát", Graham-Jones nói.

    Theo quảng bá của OceanGate, kết cấu sợi carbon của tàu lặn với nắp làm từ titan, có "trọng lượng nhẹ hơn và hiệu quả hơn khi di chuyển so với những tàu lặn sâu khác". Công ty cũng khẳng định con tàu được thiết kế để lặn 4 km trong giới hạn an toàn. Nhưng hợp chất carbon có tuổi thọ hạn chế khi gặp tình trạng quá tải hoặc thiết kế kém dẫn tới tập trung áp lực, theo Graham-Jones.

    OceanGate cũng từng bị nhắc nhở việc không có bên thứ ba kiểm tra con tàu trong quá trình phát triển có thể đặt ra vấn đề an toàn. Trong một vụ kiện năm 2018, David Lochridge, cựu giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của OceanGate, cho biết quá trình kiểm tra và xin cấp phép không đầy đủ của công ty có thể đẩy hành khách vào nguy hiểm tiềm ẩn trong tàu lặn thử nghiệm. Lochridge kêu gọi "kiểm tra không phá hủy" đối với thiết kế thân tàu như scan siêu âm, nhưng bị công ty từ chối.

    Kiểm tra siêu âm có thể giúp phát hiện những khu vực bên trong kết cấu, nơi vật liệu composite dễ nứt ra, theo Neal Couture, giám đốc điều hành tổ chức chuyên nghiệp mang tên Hiệp hội kiểm tra không phá hủy Mỹ. "Khi tàu lặn xuống nước và chịu áp lực, vật liệu composite sẽ bị ảnh hưởng. Kiểm tra không phá hủy là biện pháp giúp đánh giá cấu trúc và xác định chúng vẫn hoạt động được hay dễ hư hỏng", Couture giải thích.

    Hiệp hội Công nghệ Hàng hải, tổ chức bao gồm các kỹ sư hải dương, chuyên gia công nghệ, nhà hoạch định chính sách và giáo dục, cũng bày tỏ lo ngại đối với OceanGate về kích thước tàu Titan, vật liệu cấu tạo và nguyên mẫu chưa qua kiểm tra từ bên thứ ba. Will Kohnen, chủ tịch tổ chức, cho rằng quá trình xin giấy phép có thiếu sót, đe dọa dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho mọi người trong ngành công nghiệp. Theo Graham-Jones, xin ý kiến chuyên gia để đảm bảo con tàu đáp ứng những yêu cầu cao nhất là quy định tiêu chuẩn. Trong một bài đăng năm 2019, OceanGate chỉ trích quá trình này tốn thời gian và cứng nhắc.

    Đạo diễn phim Titanic, James Cameron, người từng nhiều lần lặn xuống xác tàu, chia sẻ có vài lý do khả thi khiến tàu lặn bị phá hủy, nhưng khả năng cao nhất là hư hỏng ở vỏ tàu làm bằng vật liệu composite.

    Tàu lặn Titan được làm từ sợi carbon và titan, theo OceanGate. Với kích thước 6,7 m x 2,8 m x 2,5 m, Titan được thiết kế để chở một người lái và 4 hành khách. Tàu có thể di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h và lặn xuống độ sâu 4.000 m.

    Tàu không có hệ thống lái chuyên biệt, mà được điều khiển bằng tay cầm PlayStation. Để liên lạc với tàu mẹ, Titan gửi tin nhắn thông qua hệ thống định vị thủy âm (USBL).

    Tàu lặn Titan mất tích ngày 18/6 khi đang chở 5 người thực hiện chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km. Theo trang web của công ty, chuyến thám hiểm dưới đáy biển tới xác tàu Titanic được OceanGate thực hiện từ năm 2021, với giá 250.000 USD mỗi người.

    [​IMG]

    Bên trong tàu lặn Titan. Video: CBC


    An Khang (Theo AP)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Thiết kế khác thường có thể dẫn tới thảm kịch tàu Titan

Share This Page