Hà NộiUng thư dạ dày phát hiện trong giai đoạn sớm, chỉ cần cắt hớt tổn thương qua nội soi mà không cần mổ, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo cập nhật kiến thức điều trị ung thư đường tiêu hóa, ngày 20/6. Hội thảo diễn ra dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tiếp nối chuỗi hoạt động hỗ trợ y tế quốc tế tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, chuyên gia phẫu thuật tiêu hóa, đại trực tràng, Phó chủ tịch hội đồng khoa học kỹ thuật Bệnh viện Hồng Ngọc, nói ung thư đường tiêu hóa ngày càng tăng và trở thành vấn đề của toàn cầu, trong đó có ung thư dạ dày. Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. "Với ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho điều trị đạt hiệu quả tối đa", ông Hùng nói, thêm rằng khi đó người bệnh được nội soi dạ dày và cắt hớt niêm mạc, không cần phẫu thuật. Ung thư dạ dày được coi là sớm khi phát hiện tổn thương còn khu trú lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc. Song, tại Việt Nam, hơn 90% người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp. Trong khi đó, tại Nhật Bản, TS.BS Shinji Endo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa'aikai, cho biết thống kê của Hiệp hội Nội soi Nhật Bản, trên 50% người bệnh mắc ung thư dạ dày ở nước này được phát hiện ở giai đoạn sớm. Lúc này, bệnh nhân chỉ phải trải qua việc cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi - thủ thuật can thiệp tối thiểu điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa. "Những tổn thương ở giai đoạn sớm có thể cắt hớt dưới niêm mạc qua nội soi mà không phải mổ can thiệp cắt đoạn dạ dày", Shinji Endo nói, cho biết thêm hiện tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt 99%. Một bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được phẫu thuật tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Ung thư dạ dày được chia làm hai giai đoạn sớm và tiến triển. Biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm không rõ, triệu chứng giống viêm viêm loét dạ dày như chán ăn, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, đau nóng rát hoặc căng tức vùng thượng vị, cảm giác ậm ạch, khó tiêu và ăn nhanh no. Giai đoạn bệnh tiến triển, các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hơn gầy sút cân, đau vùng thượng vị liên tục, nôn mửa và có khi nôn ra máu, đai tiện phân đen, thiếu máu với biểu hiện da niêm mạc nhợt, số lượng hồng cầu giảm qua xét nghiệm. Ở giai đoạn này, nếu còn khả năng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải mổ cắt dạ dày và vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hóa chất. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng bàn luận về phương thức điều trị ung thư, trong đó có ứng dụng robot. TS.BS Ryota Matsuo, Tập đoàn Y tế IMS Nhật Bản, cho biết hiện robot được ứng dụng trong phẫu thuật đường tiêu hóa, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với mổ mở hay nội soi thông thường. "Độ quan sát rõ nét cũng như sự linh hoạt cao của các cánh tay robot, phẫu tích tỉ mỉ giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác cao hơn, đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa và phục hồi nhanh chóng", ông Ryota Matsuo nói. 5 năm gần đây, Nhật Bản ứng dụng robot để điều trị ung thư đã tăng gấp đôi so với trước, với khoảng 600 máy, với các bệnh dạ dày, đại tràng, gan, tụy, thực quản, tuyến tiền liệt, thận, tử cung, buồng trứng... Việt Nam ứng dụng robot trong mổ ung thư thận, phổi, tuyến giáp, tử cung. Theo các chuyên gia, y học hiện đại có có nhiều phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, song tiên quyết vẫn là việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi mỗi năm 1-2 lần, cách hai năm một lần nếu kết quả bình thường. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress