Hà NộiBé trai 8 tuổi đái dầm vào ban đêm từ lúc chào đời đến nay, luôn phải dùng bỉm và tấm lót chống thấm, trong khi trẻ cùng trang lứa đã tự chủ đi tiểu. Bé cao 1,28 m, nặng 26 kg, bố mẹ nghĩ con bị đái dầm sinh lý nên không đi khám. Càng lớn, tình trạng càng nặng hơn khiến trẻ mặc cảm, ảnh hưởng sinh hoạt cá nhân. Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y, chẩn đoán bé mắc chứng đái dầm không kiểm soát, chỉ định điều trị bằng điện châm theo liệu trình 30 ngày. Bé tập thói quen uống nước, đi tiểu trước khi ngủ, người nhà không la mắng làm trẻ tự ti. Ngày 19/6, sau ba tháng điều trị, trẻ không còn đi đái dầm về đêm. Đái dầm là hiện tượng đi tiểu không kiểm soát khi ngủ mà không có căn nguyên. Ở trẻ dưới 5 tuổi, đây là hiện tượng sinh lý do các bé chưa tự chủ, chưa kiểm soát được nhu cầu mang tính bản năng của cơ thể. Từ 5 tuổi trở lên, hiện tượng này không tự chấm dứt thì trẻ cần được bác sĩ khám và điều trị sớm. Dấu hiệu bệnh là trẻ không có tổn thương thần kinh, nhiễm trùng đường niệu, đái tháo nhạt, tiểu đường hay trong các cơn co giật, nhưng đái dầm ít nhất ba tháng liên tiếp. Tần suất xảy ra ít nhất hai lần một tháng ở trẻ 5-6 tuổi và một lần mỗi tháng ở trẻ lớn hơn. Theo y học cổ truyền, đái dầm có thể điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như điện châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, điện nhĩ châm, thủy châm hoặc thuốc sắc thang. Tùy trường hợp, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, điện châm là phương pháp điều trị an toàn, liệu trình 30 phút một ngày và từ 10 đến 15 lần. Tuần đầu, bệnh nhân điện châm liên tục, từ tuần thứ hai sẽ châm cách ngày. Người bệnh cần tập luyện, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống để cải thiện chất lượng điều trị và dự phòng tái phát. Minh An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress