'AI thống trị thế giới là cảnh báo nực cười'

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jun 19, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 169)

    Chuyên gia Yann LeCun, từng nhận giải thưởng Turing năm 2018, cho rằng AI không thông minh bằng chó mèo và nên tập trung vào những nguy cơ hiện hữu.


    Tại hội nghị VivaTech, diễn ra ở Paris từ ngày 14 đến 17/6, ông LeCun cho rằng các AI tạo sinh như ChatGPT có một hạn chế lớn là chúng chỉ được đào tạo trên văn bản. "Hầu hết kiến thức của con người không liên quan gì đến ngôn ngữ, vì vậy một phần trải nghiệm của con người không được AI nắm bắt", ông nói.

    Theo ông, một số AI có thể vượt qua kỳ thi luật sư ở Mỹ nhưng nó không điều khiển được máy rửa chén - điều đứa trẻ 10 tuổi có thể học trong 10 phút. "AI như ChatGPT thậm chí không thông minh bằng chó mèo và nhiều chuyên gia chỉ đang cố gieo rắc nỗi sợ hãi xung quanh những mối nguy về AI", ông nói.

    Ông gọi cảnh báo này là vô cùng nực cười. "AI sẽ thống trị thế giới? Không, nó chỉ là sự phóng chiếu bản chất con người lên máy móc. Một ngày nào đó, máy tính sẽ thông minh hơn con người, nhưng còn rất lâu nữa chúng ta mới đạt đến cảnh giới đó", BBC dẫn lời LeCun.

    Giáo sư Yann LeCun là một trong bốn người đặt nền móng cho sự phát triển của AI. Năm 2018, ông được trao giải Turning - được ví như Nobel về khoa học máy tính - cho những đột phá trong khái niệm và kỹ thuật biến mạng lưới thần kinh sâu trở thành một thành phần quan trọng của máy tính. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Meta AI Research (FAIR), một tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI.


    [​IMG]

    Yann LeCun, Giám đốc nghiên cứu về AI của Meta. Ảnh: Meta


    Trong khi đó, Sam Altman, CEO OpenAI, và nhiều lãnh đạo công nghệ đang thảo luận về một chủ đề đáng sợ là "Ngày tận thế của AI". Tháng trước, Altman cùng CEO Google DeepMind Demis Hassabis, CTO Kevin Scott của Microsoft và hàng chục nhà nghiên cứu AI và lãnh đạo doanh nghiệp khác ký vào một lá thư, trong đó nêu: "Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng từ AI là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân". Họ kêu gọi mọi người cần xem xét các kịch bản tận thế một cách nghiêm túc. Tỷ phú Elon Musk cũng nhiều lần nói rằng cuộc chạy đua AI có thể dẫn đến "sự hủy diệt của văn minh nhân loại".

    Trong khi đó, một số chuyên gia như giáo sư LeCun cho rằng việc sa đà vào các kịch bản xa xôi có thể làm thế giới quên đi tác hại tức thời hơn mà AI có thể gây ra cho cộng đồng. Những mối nguy hiện hữu con người nên tập trung giải quyết ngay lúc này là AI tiếp tay cho việc lan truyền tin giả, phân biệt đối xử và thành kiến trong các dịch vụ xã hội.

    Trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ tháng 5, giáo sư AI Gary Marcus nói: "Một số CEO có thể thực sự lo lắng về AI, nhưng số khác đang cố lái nỗi lo của cộng đồng vào những thứ trừu tượng, khiến mọi người xao nhãng về những ảnh hưởng tức thời".

    Đại diện của Google và OpenAI không đưa ra bình luận. Còn người phát ngôn của Microsoft nói: "Chúng tôi lạc quan về tương lai của AI. Nhưng chúng tôi cũng tin khi ai đó tạo ra những công nghệ có thể thay đổi thế giới, họ cũng phải đảm bảo công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm".

    Marcus cho rằng nỗi lo đầu tiên người dùng đang phải đối mặt là các cỗ máy tin giả đang được xuất bản ồ ạt bởi AI. Các công cụ như ChatGPT, Dall-E được đào tạo trên kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ để tạo ra tác phẩm, hình ảnh, video và sẽ đến lúc người dùng không thể phân biệt được thật giả.

    Đầu tháng 5, Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, cũng rời Google để có thể cảnh báo về AI. Hinton nói ông vốn hài lòng với công việc tại Google cho đến khi Microsoft đưa ChatGPT vào Bing, kéo Google vào cuộc đua AI. Theo ông, sự cạnh tranh khốc liệt về AI có thể không bao giờ dừng lại được nữa. Từ đó, một mối nguy cho cả nhân loại là khắp nơi sẽ tràn ngập những hình ảnh, văn bản giả mạo tinh vi đến mức không ai biết đâu là giả, đâu là thật.

    Ngay cả cha đẻ ChatGPT cũng thừa nhận khả năng AI thao túng cử tri bằng các thông tin sai lệch là một trong những vấn đề ông lo lắng nhất. Trong bối cảnh đơn giản hơn, AI tạo sinh bị trỉ chích vì đưa ra câu trả lời sai hoặc cố tình cung cấp thông tin sai lầm, thiên kiến về giới tính, chủng tộc.

    Emily Bender, giáo sư tại Đại học Washington và là Giám đốc Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ học máy tính, nói với CNN: "Nếu công chúng và các cơ quan quản lý tập trung vào kịch bản xa vời, các công ty AI có thể thoát khỏi nỗi lo hiện hữu về đánh cắp dữ liệu và những hành vi nguy hiểm khác".

    Bà cũng đặt câu hỏi: "Nếu họ thực sự tin AI có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, tại sao họ không dừng lại?".

    Khương Nha (theo CNN, Insider, BBC)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - 'AI thống trị thế giới là cảnh báo nực cười'

Share This Page