Thước phim do cơ quan bay vũ trụ có người lái Trung Quốc chia sẻ hôm 14/6 cho thấy trạm vũ trụ Thiên Cung ở cấu hình mới sau một loạt nhiệm vụ đến và đi từ trạm. Hình dáng mới nhất của trạm Thiên Cung sau hàng loạt thay đổi gần đây. Video: Space Tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 5 tách khỏi trạm Thiên Cung hôm 5/5, giải phóng cổng ghép nối cho nhiệm vụ cung cấp vật tư tiếp theo. Tàu Thiên Châu 6 chở đầy nhu yếu phẩm, thí nghiệm khoa học và nhiên liệu đẩy, phóng lên trạm Thiên Cung hôm 11/5, giúp chuẩn bị cho đoàn phi hành gia tiếp theo. Trung Quốc phóng nhiệm vụ có người lái Thần Châu 16 hôm 30/5, đưa 3 phi hành gia lên trạm Thiên Cung trong nhiệm vụ kéo dài 5 tháng. Họ tiếp quản trạm vũ trụ từ phi hành đoàn Thần Châu 15, đã quay trở lại Trái Đất hôm 4/6. Cuối cùng, tàu Thiên Châu 5 hoàn thành nhiệm vụ bay tự do và ghép nối với trạm Thiên Cung lần nữa hôm 5/6. Tàu chở hàng này sẽ tiếp nhận rác từ trạm Thiên Cung trước khi rời khỏi quỹ đạo trong thời gian tới. Trong video, tàu vũ trụ Thần Châu 16 ghép nối với cổng ở module lõi Thiên Hòa của trạm. Cửa sập chốt gió kho hàng của module thí nghiệm Mộng Thiên có thể thấy qua camera toàn cảnh bên ngoài module. Phi hành đoàn Thần Châu 16 bao gồm chỉ huy Jing Haipeng và đồng nghiệp Zhu Yangzhu cùng chuyên gia về tải trọng Gui Haichao, cư dân Trung Quốc đầu tiên trong vũ trụ, sẽ tiến hành một loạt nhiệm vụ trong thời gian ở trạm Thiên Cung. Họ sẽ hoàn thành lắp đặt nhiều thiết bị lớn bên ngoài trạm, bao gồm thí nghiệm phơi bức xạ và nhiều bộ phận khác ở mặt ngoài module Mộng Thiên. Theo lịch trình, bộ ba cũng sẽ nghiên cứu hiện tượng lượng tử mới và làm thí nghiệm liên quan tới kiểm nghiệm thuyết tương đối tổng quát và khám phá nguồn gốc sự sống. Họ sẽ tham gia các lớp học khoa học trực tuyến. Họ là phi hành đoàn thứ 5 bay tới trạm Thiên Cung và thứ hai từ khi trạm vũ trụ 3 module hoàn thiện vào tháng 11/2022. An Khang (Theo Space) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress