Năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jun 17, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 109)

    Do tác động từ hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu do hoạt động của con người, năm 2023 có thể phá kỷ lục nóng nhất của năm 2016.

    [​IMG]

    Nhiệt độ đại dương ở mức nóng hơn trung bình (thể hiện qua màu đỏ) trên khắp thế giới trong nửa đầu tháng 6. Video: Scott Duncan


    Nhiệt độ tăng vọt ở các đại dương trên thế giới và sự xuất hiện của điều kiện thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương có nghĩa năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử với giới nghiên cứu nhận định hành tinh đang tiến tới ngưỡng nhiệt chưa từng thấy, theo New Scientist.

    Năm nóng nhất trong lịch sử trước đây là năm 2016, khi thế giới trải qua đợt El Nino gần nhất. Hiện nay, kỷ lục nhiệt độ trong tháng 6 cho thấy năm 2023 đang trên đà tới gần ngưỡng của năm 2016. 11 ngày đầu trong tháng 6 ghi nhận nhiệt độ toàn cầu cao nhất lần đầu tiên, theo Copernicus, chương trình quan sát Trái Đất của Liên minh châu Âu, nối tiếp tháng 5 ấm thứ hai và tháng 4 ấm thứ tư trong lịch sử. Đỉnh nhiệt rơi vào ngày 9/6, khi nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu là 16,7 độ C, chỉ thấp hơn 0,1 độ C so với mức nóng nhất được ghi nhận ngày 13/8/2016.

    Dù biến đổi khí hậu do hoạt động của con người tiếp tục làm tăng nhiệt độ toàn cầu, không có bằng chứng cho thấy quá trình gia tăng trong năm nay. Thay vào đó, những điều kiện ấm lên xảy ra sau khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,3 độ C, đẩy các kỷ lục lên cao hơn.

    Một trong những yếu tố chính khiến nhiệt độ tăng vọt khác thường gần đây là sự ấm lên ở bên trong và phía trên đại dương. Suốt nhiều tháng, các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ mặt biển ở mức cao kỷ lục, kết quả từ những đợt nắng nóng trên khắp thế giới. Ở Bắc Đại Tây Dương hôm 11/6, nhiệt độ ở mức 22,7 độ C, cao hơn 0,5 độ C so với kỷ lục của tháng 6/2010. Giới nghiên cứu chưa rõ tại sao đại dương lại nóng như vậy, đặc biệt khi El Nino mới chỉ xuất hiện và phải cuối năm nay mới đạt đỉnh.

    Gió mậu dịch yếu đi do thay đổi trong động lực học khí quyển có thể là cách giải thích khả thi nhất, theo nhà khoa học Samantha Burgess ở Copernicus. Ở Bắc Đại Tây Dương, sức gió giảm làm giảm lượng bụi thổi từ Sahara qua khu vực này của đại dương. Bụi thường có tác dụng hạ nhiệt đại dương.

    Nhiệt độ đại dương và khí quyển tăng vọt là điều bất ngờ vào thời điểm này trong năm, theo Burgess. Trên toàn cầu, vài ngày đầu tháng 6 vượt ngưỡng tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trước đây, điều đó chỉ xảy ra trong mùa đông ở Bắc bán cầu, khi nhiệt độ biến động bất thường phổ biến hơn.

    "Những gì chúng tôi quan sát được tính đến nay chỉ ra năm 2023 có thể sẽ nằm trong số 5 năm nóng nhất. Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ chứng kiến nhiệt độ đại dương ấm như vậy và nhiệt độ không khí cũng đang trên đà phá kỷ lục", Burgess cho biết.

    Dù điều kiện El Nino kết hợp biến đổi khí hậu xảy ra giống năm 2016, nắng nóng năm nay diễn biến theo cách rất khác biệt. Trong khi năm 2016, nhiệt độ tăng vọt tập trung ở vùng Siberia thuộc Bắc Cực thì năm 2023, các kỷ lục xuất hiện ở nhiều địa điểm bao gồm Nam Đại Dương và Nam Cực từ đầu năm.

    Trong vài tháng gần đây, các nhà khoa học ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu băng trên biển ở Nam Cực, tháng 2/2023 đánh dấu kỷ lục mới về lượng băng thấp nhất mọi thời đại với 1,79 triệu km2. Băng trên biển hiện nay đang tái hình thành khi lục địa sắp tiến vào mùa đông nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

    Do El Nino sẽ mạnh dần qua vài tháng nữa, giới nghiên cứu dự đoán nhiệt độ bất thường sẽ xuất hiện nhiều hơn khi ảnh hưởng của nó bắt đầu tác động tới các mô hình thời tiết trên khắp thế giới.

    An Khang (Theo New Scientist)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Share This Page