Trong chuỗi siêu sale 618, mỗi chiếc iPhone 14 Pro Max được giảm hơn 1.000 nhân dân tệ (3,3 triệu đồng) để cạnh tranh trực tiếp với smartphone Trung Quốc. "Tôi nên mua iPhone 14 Pro hay Xiaomi Mi 13?", Cheng Pin An, phóng viên công nghệ ở Trung Quốc, nhận được câu hỏi từ một người bạn khi sự kiện "siêu sale" 618 diễn ra. 618 là lễ hội mua sắm thương mại điện tử lớn nhất nửa đầu năm tại Trung Quốc. Thời gian diễn ra hoạt động thường kéo dài một tuần trước và sau ngày 18/6. An nói đây là câu hỏi kỳ lạ vì điện thoại iPhone và Xiaomi vốn ở hai phân khúc, gần như không cạnh tranh. Còn năm nay, chiến thuật giá của Apple khiến nhiều người dùng Android phải cân nhắc. Đợt hạ giá lịch sử của Apple Những mùa 618 trước, điện thoại Android cao cấp thường giảm hơn 1.000 nhân dân tệ (3,3 triệu đồng), còn iPhone giảm tầm 500 tệ (hơn 1,6 triệu đồng). Tuy nhiên năm nay, trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, iPhone 14 bất ngờ hạ hơn 1.000 nhân dân tệ. Trong khi đó, điện thoại cao cấp của Trung Quốc như Xiaomi Mi 13 Ultra, Vivo XFold 2, Oppo Find N2 lại gần như không giảm giá. Blogger công nghệ Shi Jie đánh giá đây là "đợt điều chỉnh giá lịch sử" của Apple. "Điều gì đang xảy ra với Apple" cũng trở thành một trong những từ khóa hot trên mạng xã hội nước này. Li Nan, người mua iPhone 14 Pro Max 256 GB trên sàn thương mại JD.com với giá 6.999 tệ (23,1 triệu đồng) trong buổi livestream dịp 618, cho biết đây là mức giá khiến mọi người phải "giật mình". Trước khi "săn sale", Nan đã theo dõi sát biến động giá của iPhone 14 Pro Max. Trên Apple Store Trung Quốc, máy có giá từ 8.999 nhân dân tệ (29,7 triệu đồng). Từ tháng 3, một số sàn thương mại điện tử bán hơn 8.000 nhân dân tệ, đến tháng 4, tiếp tục giảm xuống còn 7.999 nhân dân tệ. Đến mùa siêu giảm giá, hầu hết cửa hàng trên JD.com đang bán khoảng 6.879 nhân dân tệ (22,7 triệu đồng). Trong khi đó, giá thấp nhất của iPhone 14 là 4.699 tệ (15,4 triệu đồng), iPhone 14 Plus là 5.429 tệ (17,8 triệu đồng), iPhone 14 Pro là 6.199 tệ (20,3 triệu đồng). Theo các chuyên gia, ngoài khó khăn chung của toàn ngành là suy thoái khiến người dùng ít lên đời smartphone, các hãng di động Trung Quốc đang đối mặt thách thức khi chuyển từ phân khúc phổ thông lên cao cấp. Đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt, nơi Apple đã chiếm thị phần lớn. Giờ đây, với chiến lược về giá, nhiều người lo ngại các thương hiệu Trung Quốc sẽ bị Apple đè bẹp trên chính sân nhà. Danh sách 10 smartphone bán chạy nhất Trung Quốc 2022 được Counterpoint Research công bố cuối tháng 3 cho thấy, Apple chiếm ba vị trí đầu bảng, Honor có bốn đại diện, Vivo có hai và Oppo góp mặt duy nhất một model. Trước đây, các đợt giảm giá của Apple chủ yếu là từ nhà phân phối. Nhưng năm nay, Apple Store Online cũng thực hiện một số đợt điều chỉnh giá. Để cạnh tranh với smartphone Android, hãng còn lần đầu livestream để bán hàng. Dù nội dung phát sóng sau đó bị phát hiện đã ghi hình từ trước, người dùng Trung Quốc vẫn hưởng ứng mạnh. Ước tính Apple thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ sau một giờ livestream. Cùng với những điều chỉnh về giá, các nhà phân tích thị trường cho rằng Apple đang công khai tuyên chiến với các thương hiệu Trung Quốc. Khách mua sắm tại Apple Store Bắc Kinh, Trung Quốc trong ngày mở bán iPhone 14 vào 16/9/2022. Ảnh: Reuters Danh sách điện thoại bán chạy của sàn thương mại điện tử JD.com từ 31/5 đến 12/6 cho thấy Apple chiếm bốn trong số 10 model. Trong đợt siêu sale, iPhone 14 Pro và 14 Pro Max đang đứng đầu bảng xếp hạng smartphone được mua nhiều nhất. Hai model này lần lượt có giá 6.499 và 7.299 nhân dân tệ. Sáu smartphone Trung Quốc trong danh sách chỉ có hai mẫu tầm trung là Honor-Redmi K60 và OnePlus Ace 2, còn lại đều là phổ thông và giá rẻ. Điện thoại ở vị trí thứ ba là Xiaomi Redmi 10A giá 620 tệ (2 triệu đồng). Theo Sina, những con số trên cho thấy các thương hiệu Trung Quốc đang hoàn toàn "bất lực" trước đòn tấn công về giá của Apple. Các đối thủ như Vivo S17 Pro hay Oppo Reno 10 Pro đã được tung ra trước mùa 618 nhưng không thể vào trong bảng xếp hạng để cạnh tranh với Apple. Cơ hội của thương hiệu Trung Quốc Các chuyên gia cho rằng, trên phân khúc cao cấp, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc không có lợi thế về hệ điều hành, chip và phần cứng. Tuy nhiên, họ có thể thích ứng nhanh khi có biến động, không để xảy ra tình trạng trễ hẹn với người dùng như Apple. Một cơ hội khác là smartphone màn hình gập. Sản lượng màn hình gập trong quý II/2023 chỉ đạt 1,93 triệu máy, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thống kê từ JD.com cho thấy doanh số điện thoại gập trong mùa 618 lại tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là phân khúc Apple chưa đặt chân đến, nên cơ hội vẫn nằm trong tay nhà sản xuất Android. Ngoài Samsung, hầu hết smartphone màn hình gập đáng chú ý hiện nay đều từ Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi, Motorola. Người dùng nước này vẫn đang đặt nhiều kỳ vọng vào Huawei. Cuối tháng 3, smartphone cao cấp Mate X3 ra mắt với nhiều nâng cấp về màn hình gập, cấu hình, camera. Model này có giá khởi điểm 12.999 tệ (44,5 triệu đồng), bản cao cấp nhất 15.999 tệ (54,8 triệu đồng). Đầu tháng 6, truyền thông Trung Quốc cho biết Huawei đã nâng mục tiêu xuất xưởng điện thoại từ 28 triệu lên 30-40 triệu chiếc năm 2023. Huawei chưa phản hồi về thông tin này nhưng Sina cho rằng đó là tín hiệu smartphone Trung Quốc chưa bị Apple "đè bẹp". Cuộc chiến smartphone ở thị trường điện thoại tỷ dân vẫn chưa đến đoạn phân thắng bại. Khương Nha (theo Sina, Bohu) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ