Hà NộiÁp lực thi đỗ đại học khiến nam sinh 18 tuổi rơi vào hoảng loạn, biểu hiện bằng những cảm xúc lo sợ, đau tim, tức ngực ập đến đột ngột. Ngày 12/6, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết bệnh nhân đến khám đầu tháng 6 khi tình trạng mệt mỏi kéo dài, giảm tập trung, thi thoảng run tay chân, choáng váng, ăn kém, ngủ ít. Theo gia đình, em đang tập trung ôn thi vào Đại học Y Hà Nội, lịch học dày đặc, thường xuyên thức đến 2h ôn bài, 6h sáng dậy đi học. Dù thiếu ngủ, nam sinh không thể chợp mắt, luôn lo nghĩ về kỳ thi. Một tháng gần đây, tình trạng mệt mỏi, đau đầu tăng, đặc biệt người bệnh thường xuyên có những cơn sợ hãi đột ngột, khởi đầu với tim đập nhanh, choáng, đau ngực, kéo dài vài phút. Lo sợ bố mẹ thất vọng, em không chia sẻ, trở nên thu mình, sống cô lập, ít giao tiếp với mọi người xung quanh. Qua khám và xét nghiệm, bác sĩ Thu chẩn đoán nam sinh mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, nguyên nhân do áp lực thi cử kích hoạt bệnh hoặc làm tăng nặng bệnh lý tiềm ẩn từ trước. Bệnh nhân được hỗ trợ trị liệu tâm lý và dùng thuốc, hiện các triệu chứng đã giảm. Trường hợp trên chỉ là một trong nhiều bệnh nhân bác sĩ Thu tiếp nhận điều trị hoặc hỗ trợ tư vấn trong thời gian gần đây. Đa số là học sinh sắp trải qua những kỳ thi quan trọng, có dấu hiệu mệt mỏi, bồn chồn, khó tập trung, mất ngủ, khó kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm loét dạ dày, biểu hiện là những cơn đau bụng trên rốn hoặc âm ỉ quanh rốn, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua. Hôm 8/6, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam sinh 15 tuổi, chuẩn bị thi vào lớp 10 thì sốt cao, bụng đau co cứng như gỗ, bác sĩ phát hiện thủng tá tràng do ăn uống thất thường và áp lực học. Người nhà cho biết em từng viêm loét dạ dày tá tràng, đã điều trị nhiều đợt. Gần đây, em thường xuyên thức đến 1-2h sáng để ôn thi, học thêm nhiều ca một ngày, lịch sinh hoạt bị đảo lộn. Do áp lực học hành, em lo lắng, căng thẳng, ăn kém, ngủ ít, nhiều lúc cáu giận vô cớ. Năm ngày trước, sau ca học thêm buổi tối, em đau bụng dữ dội kèm sốt cao, được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Nam sinh được nội soi khâu vết thủng, ra viện sau 5 ngày điều trị nhưng vẫn dùng thuốc và theo dõi tái khám. Theo bác sĩ Thu, để giảm tác động tiêu cực của thi cử, các em nên duy trì lối sống cân bằng như chăm sóc bản thân, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và có lịch trình hợp lý giữa học tập và nghỉ ngơi. Gia đình cần quan tâm hơn tới con bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Phụ huynh không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ. Nên chuẩn bị cho trẻ bản lĩnh đối diện với thất bại và không nên quá nặng nề trước một kỳ thi bất kỳ. Trẻ có tâm trạng bất thường, dễ nổi cáu bộc phát, giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây; tránh né việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên... cần được bác sĩ khám, tư vấn tâm lý sớm, điều trị kịp thời. Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress