Điện BiênBé gái hai tuổi, ở huyện Tuần Giáo, mắc bệnh than nhưng không rõ nguồn lây, là ca thứ 14 được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ghi nhận đầu tháng 6. Vài ngày trước, bé sốt, nôn mửa, cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa, có mủ, người nhà đưa đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc nhưng không bớt. Bé được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa khám, chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than, còn gọi là bệnh nhiệt than. Sáng 6/6, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết sức khỏe bé tiến triển tốt, đang được theo dõi tích cực. Cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây cho bé, do gia đình không ăn thịt trâu bò, chỉ ăn thịt lợn và rau. Trong vùng không có trâu bò mắc bệnh than, bé cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than. Hiện cơ quan chức năng điều tra yếu tố dịch tễ của bé để khoanh vùng, xử lý mầm bệnh. Đây là ca bệnh than thứ 14 tại Điện Biên được ghi nhận trong đầu tháng 6. Hai ngày trước, Sở Y tế tỉnh công bố ba ổ dịch bệnh than, với 13 bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò. Trong đó, một số người nổi bọng nước, vết loét trên da; những người còn lại bị đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đau nhức toàn thân. Tất cả được theo dõi, uống kháng sinh dự phòng. Hiện chưa có trường hợp tử vong. Nhà chức trách khoanh vùng 132 người tiếp xúc với các bệnh nhân, theo dõi. Bệnh than là bệnh truyền nhiễm thường phát hiện trên các loài máu nóng như gia súc, động vật hoang dã và ở người. Tác nhân chính gây bệnh than là vi khuẩn Bacillus anthracis có khả năng sinh bào tử, còn gọi nha bào. Bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và sức sống rất cao trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng. Bộ Y tế yêu cầu Điện Biên theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người tham gia giết mổ và sử dụng nguồn thịt cùng với các bệnh nhân trên. Đồng thời, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi bệnh; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch. Bệnh than lây qua vết thương hở khi tiếp xúc với động vật bị bệnh; hoặc tiêu thụ thịt cũng như sản phẩm từ động vật mắc bệnh; hít phải vi khuẩn. CDC Điện Biên cảnh báo ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than, nguy cơ lây nhiễm qua đường tiêu hóa là rất cao. Đường lây theo hô hấp hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 90% nếu không được điều trị kịp thời. Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay, tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra, bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa. Minh An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress