Hậu GiangCác học sinh, sinh viên miền Tây được Cựu phi hành gia của NASA chia sẻ về quá trình tên lửa phóng vào không gian, hoạt động nghiên cứu khoa học tại khai mạc Tuần lễ NASA Việt Nam. Sáng 5/6, Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang tại TP Vị Thanh thu hút hơn 1.300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, giáo viên, sinh viên, học sinh các trường cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, phổ thông ở 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tham dự khai mạc Tuần lễ NASA Việt Nam. Sự kiện do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Hội Tin học TPHCM, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tổ chức. Khai mạc Tuần lễ NASA Việt Nam 2023, ngày 5/6, tại Hậu Giang. Ảnh: An Bình Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM cho rằng, tỉnh Hậu Giang được chọn đăng cai tổ chức là cơ hội để các bạn sinh viên, học sinh miền Tây tìm hiểu thêm về quá trình cống hiến của các phi hành gia cho khoa học. "Phi hành gia là những người sẵn sàng chịu đựng những thiệt hại lớn, thậm chí cả sinh mạng của mình để thực hiện mục đích cao đẹp cho khoa học", ông Long nói và cho biết họ chính là những tấm gương sáng, là động lực, niềm cảm hứng đại diện cho trí tuệ của con người trong việc khám phá những thành tựu mới cũng như giải đáp những câu hỏi mà nhiều thế hệ loài người chưa trả lời được về vũ trụ. Tại sự kiện, Cựu phi hành gia của NASA, ông Michael A. Baker và tiến sĩ Josef Schmid, bác sĩ phẫu thuật chuyến bay của NASA đã chia sẻ về quá trình tên lửa được phóng vào không gian và các hoạt động sinh hoạt, nghiên cứu khoa học trên tàu vũ trụ. Cựu phi hành gia Michael A. Baker cho biết, tên lửa được đặt vào bệ phóng và quá trình này sẽ diễn ra vào ban đêm; nguồn nguyên liệu sử dụng là khí hóa lỏng được đặt trong hai bình chứa lớn giữ nhiệm vụ đẩy tên lửa lên. Trước khi tên lửa được phóng, mọi thứ phải được kiểm tra an toàn, bao gồm cả nhiệt độ để đảm bảo cho các thành viên phi hành đoàn. "Lúc phóng lên, tốc độ của tên lửa có thể đạt đến 50.000 dặm mỗi giờ, phải vượt qua tỷ trọng của lực hút Trái Đất. Trong hai phút đầu của quá trình tên lửa được phóng, nếu gặp sự cố, các thành viên của phi hành đoàn sẽ bay ra bằng dù", cựu phi hành gia nói và cho biết trong vòng 7 phút của quá trình bay, tức thắng được tỷ trọng lực của hút Trái Đất, thì quá trình bay được hoàn thành sau đó. Theo ông, quá trình phóng tên lửa sẽ tạo ra âm thanh rất lớn; khi hoàn tất, các bình nhiên liệu khí sẽ tự động được tách ra... Ông Michael A. Baker, cựu phi hành gia NASA, cựu Thuyền trưởng Hải quân Mỹ giao lưu cùng các bạn trẻ tại Hâu Giang, ngày 5/6. Ảnh: An Bình Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện được kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho giới trẻ cơ hội tiếp cận với phi hành gia để học hỏi, tìm hiểu, chia sẻ, khám phá khoa học. Qua đó, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên trong lĩnh vực không gian, vật lý vũ trụ mà Việt Nam xem đó là lĩnh vực mũi nhọn trong thế kỷ 21. Ông Thanh đề nghị, NASA hỗ trợ địa phương trang bị Trung tâm thực hành trải nghiệm sáng tạo giáo dục STEM/STEAME Robotics và tổ chức nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông. Đồng thời trang bị một hoặc một số lớp học thông minh; xây dựng hệ thống đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến về phương thức giáo dục STEM nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Em Trần Vũ Hải Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết, tham gia sự kiện được trải nghiệm và thấy kiến thức về vũ trụ của mình được mở rộng hơn. Nghe câu chuyện thực tế về kinh nghiệm, cuộc sống, công việc của các phi hành gia "tụi em hiểu và cảm phục rất nhiều về sự hy sinh, đóng góp to lớn, thầm lặng của các chú, các bác đối với nhân loại...", Hải nói. Cựu phi hành gia của NASA giao lưu cùng các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: An Bình Tuần lễ NASA Việt Nam diễn ra tại Hậu Giang ngày 5-6/6; sau đó tại TP HCM ngày 7/6 và tỉnh Bình Định 8-9/6. Sự kiện gồm các hoạt động về giáo dục STEM Day dành cho sinh viên, học sinh trên tinh thần "Vui - Học - Sáng tạo" (Fun - Learn - Create) như: Tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục STEM trong các lĩnh vực vật lý thiên văn, không trọng lực, robotics, thực tế ảo và thực tế tăng cường, vũ trụ ảo, cuộc thi NASA STEM cho học sinh độ tuổi từ 6 - 18 tuổi; giải trí, trau dồi kiến thức và phát triển thể chất thông qua hoạt động trải nghiệm trên hiệu ứng Magic Floor... Các bạn trẻ trải nghiệm hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ NASA, tại Hậu Giang. Ảnh: An Bình Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên sự kiện giao lưu khoa học này được tổ chức tại Việt Nam, nhằm truyền cảm hứng, định hướng giáo dục, nghề nghiệp cho thế hệ trẻ bằng các câu chuyện làm việc và sinh hoạt của phi hành gia trên không gian, vũ trụ; những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ Trái Đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro các tiểu hành tinh va chạm với trái đất, tìm hiểu về sự sống ngoài trái đất... Tuần lễ NASA Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng để giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam tìm hiểu lĩnh vực không gian vũ trụ, sự đổi mới của khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác và hiểu biết quốc tế. An Bình Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress