Làm gì để không mắc virus tay chân miệng thể nặng?

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jun 4, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 137)

    [​IMG]

    Vệ sinh cá nhân, ăn uống lành mạnh, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt và quản lý chất thải là các cách phòng tránh virus gây bệnh tay chân miệng nặng.


    Chiều 1/6, đại diện Sở Y tế TP HCM, cho biết xét nghiệm PCR bệnh phẩm ca tay chân miệng nặng, các bệnh viện ghi nhận chủng Enterovirus (EV71) nguy hiểm tái xuất hiện kể từ đợt bùng phát năm 2011, khiến tình hình "thực sự đáng lo ngại". Hiện giới chức chưa tìm ra nguyên nhân virus này tái xuất.

    Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, đặc tính của EV71 là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao. Trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

    "Có những bé đưa vào viện buổi sáng nhưng đến chiều đã có thể tử vong", bác sĩ Tiến nói.

    Khi EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau 24 giờ, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

    Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (nướu răng, lưỡi, bên trong má), ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Trường hợp nhiễm virus EV71, bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não điển hình.

    Trẻ mắc tay chân miệng do EV71 có thể được điều trị kéo dài 1-2 tuần hoặc nhiều tháng, thâm chí phụ thuộc máy thở. Sau điều trị, cũng có thể để lại các di chứng như yếu liệt chi, tổn thương não gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ thể và khả năng học tập.

    Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

    Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống.

    Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

    Quản lý chất thải: Chất thải phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

    Ngoài ra, trẻ phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu như nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng..., từ đó cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.

    Trẻ bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run tay chân. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho các em có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Làm gì để không mắc virus tay chân miệng thể nặng?

Share This Page