Bên cạnh TikTok với 150 triệu người dùng hàng tháng, nhiều ứng dụng Trung Quốc như CapCut, Temu hay Lemon8 cũng đạt hàng triệu lượt tải. Những năm gần đây, TikTok nổi lên như một ứng dụng được giới trẻ toàn cầu, trong đó có Mỹ, ưa chuộng. Tuy nhiên, nền tảng video của ByteDance cũng trở thành tâm điểm của các nhà lập pháp và quan chức tình báo Mỹ vì lo ngại nó có thể được sử dụng để theo dõi người dùng Mỹ. CEO TikTok Shou Zi Chew đã phải điều trần trước quốc hội nước này hồi tháng 3, trong khi một số bang đang xem xét cấm ứng dụng. Dù vậy, không chỉ TikTok, các ứng dụng khác của Trung Quốc cũng đang trở nên phổ biến rộng rãi ở nước này. Theo Insider Intelligence, ứng dụng mua sắm Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings, đứng thứ hai trên App Store Mỹ tính đến cuối tháng 5, vượt những cái tên của Mỹ như Kohl’s, Wayfair, Nordstrom. Các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc hiển thị trên một mẫu smartphone. Ảnh: Reuters Trong khi đó, TikTok và CapCut, đều do ByteDance phát triển, giữ vị trí thứ tư và thứ năm trên bảng xếp hạng App Store của Mỹ. Shein, thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc, giữ vị trí thứ mười bốn. Lemon8, nền tảng tương tự Pinterest và Instagram và cũng thuộc ByteDance, đạt gần một triệu lượt tải chỉ trong một tuần cuối tháng 3 đầu tháng 4, ngay sau khi ông Chew điều trần. Ứng dụng hiện có 1,8 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ. Số người tải về các ứng dụng Trung Quốc cũng đang tăng mạnh ở Mỹ. Từ khi ra mắt, TikTok đạt 415 triệu lượt tải xuống, CapCut có 99 triệu lượt còn Temu 67 triệu lượt, theo Apptopia. Shein thậm chí vượt TikTok với 855 triệu lượt tải, dù số lượng người dùng hoạt động hàng tháng ít hơn với 22 triệu tài khoản. Ứng dụng Trung Quốc nở rộ tại Mỹ diễn ra giữa bối cảnh chính quyền nước này đang có động thái ngăn chặn TikTok với lý do nền tảng có thể chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ về Trung Quốc, từ đó gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. "Một ứng dụng có một nghìn hoặc một triệu người dùng Mỹ không gây rủi ro an ninh như một ứng dụng có hàng chục triệu người dùng", Lindsay Gorman, thành viên cấp cao của Liên minh Bảo mật (ASD) thuộc quỹ German Marshall Fund, nói. Theo bà Gorman, khi Mỹ nhắm mục tiêu TikTok, nước này cũng cần đưa ra một khuôn khổ chung về cách đánh giá rủi ro đối với ứng dụng Trung Quốc có nhiều người dùng. Các yếu tố cần được xét tới là loại ứng dụng, khả năng lan truyền và truyền bá thông tin cùng một số chi tiết khác. Dựa trên tiêu chí đó, những cái tên như CapCut gây rủi ro thấp hơn cả, do ứng dụng có mục đích chỉnh là sửa video. Đối với nền tảng thương mại điện tử như Temu hoặc Shein, nguy cơ phát tán thông tin sai lệch có thể không cao như trên dịch vụ truyền thông xã hội. Nhưng Mỹ vẫn có lý do lo ngại. Theo một báo cáo gần đây của CNN, nền tảng "chị em" của Temu là Pinduoduo - ứng dụng mua sắm phổ biến ở Trung Quốc - có chứa phần mềm độc hại. Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc sau đó trích dẫn báo cáo này khi đánh giá rủi ro dữ liệu của Temu. Trong khi đó, Shein cũng bị Shut Down Shein - nhóm tự giới thiệu là liên minh gồm các cá nhân, thương hiệu Mỹ và tổ chức nhân quyền - tố đã thu thập dữ liệu của người dùng trái phép, dù không đưa ra bằng chứng. "Tôi hiểu người Mỹ thích sự tiện lợi từ thương mại điện tử và các công cụ sáng tạo của Trung Quốc, nhưng mọi người cần tính đến thực tế rằng những công ty đó cuối cùng phải tuân theo yêu cầu từ phía Trung Quốc", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark Warner nói. Hồi tháng 3, ông Warner và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune đã soạn một dự luật có tên Hạn chế mối đe dọa bảo mật gây rủi ro công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT). Dự luật sẽ "giải quyết toàn diện mối đe dọa từ công nghệ của các đối thủ nước ngoài, như TikTok", theo thông cáo của văn phòng ông Warner ngày 6/3. Andy Yen, CEO công ty dịch vụ email và VPN Proton, cho rằng những nền tảng như TikTok cần bị giới hạn tại Mỹ. Tuy nhiên, các điều khoản của RESTRICT quá rộng để thực hiện mà không gây hậu quả. Theo Yen, giải pháp để tạo ra thị trường kỹ thuật số cạnh tranh ở Mỹ không phải là cho phép các công ty Trung Quốc hoạt động tràn lan, mà cần sân chơi bình đẳng, cho phép doanh nghiệp Mỹ, châu Âu hoặc bất kỳ nơi nào khác cạnh tranh công bằng ở Mỹ. Bảo Lâm (theo CNBC) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ