Bộ trưởng Thương mại Mỹ phản đối lệnh cấm hãng chip Micron do Trung Quốc đưa ra tuần trước và nói Washington đang tìm cách giải quyết tình hình. "Mỹ phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc nhằm vào Micron. Chúng tôi không chấp nhận điều này và đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh nhằm đối phó tình trạng cưỡng ép thương mại", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói trong cuộc họp báo cuối tuần qua. Bà cho rằng động thái của Trung Quốc "nhằm vào công ty Mỹ đơn lẻ mà không có cơ sở thực tế", xem đây là hành vi chèn ép và "sẽ không dung thứ, cũng như không nghĩ nó sẽ thành công". Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về phát biểu của bà Raimondo. Logo Micron bên ngoài văn phòng của hãng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 21/5 cho biết Micron không vượt qua cuộc đánh giá an ninh mạng. Theo kết luận, sản phẩm từ hãng chip Mỹ có "rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây nguy cơ bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và an ninh quốc gia". Do đó, mọi sản phẩm từ công ty chip Mỹ không được bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CIIO) tại Trung Quốc. CIIO ở Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực rất rộng, nhiều trong số đó được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia và sinh kế của người dân như giao thông, dịch vụ thông tin và truyền thông, tài chính, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Quyết định được Trung Quốc đưa ra sau 50 ngày CAC tiến hành điều tra các sản phẩm của Micron cuối tháng 3 với lý do an ninh quốc gia. Lệnh cấm được xem là sự phản công của Trung Quốc trong bối cảnh tình Mỹ tìm cách siết mảng bán dẫn nước này, đồng thời vận động Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc làm điều tương tự. Micron hiện kinh doanh các sản phẩm chip như DRAM, bộ nhớ flash NAND và ổ SSD. Ước tính, công ty có thể thiệt hại khoảng 11% doanh thu mỗi năm. Năm 2022, hãng đạt tổng doanh thu 30,8 tỷ USD. Theo Bloomberg, khách hàng lớn của Micron tại Trung Quốc có Lenovo, Xiaomi, Inspur Electronics Information, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp và Oppo. Điệp Anh (theo Reuters) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ