'Đau buồn khi không trữ thuốc hiếm cứu bệnh nhân botulinum'

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 26, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 129)

    Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng bệnh nhân ngộ độc bị lỡ thời gian vàng để cứu chữa do không có thuốc là bài học.


    Sáng 26/5, trả lời báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói như trên, thêm rằng thực trạng thiếu thuốc hiếm, thuốc giải độc diễn ra triền miên. "Việc chậm trễ cung ứng thuốc khiến không thể cứu chữa được bệnh nhân là chuyện rất đau buồn", bà nói.

    Bệnh nhân, được bà Lan đề cập, qua đời đêm 25/5 ngay trước khi được truyền một trong 6 lọ thuốc giải độc botulinum do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian "vàng". Họ đã bị liệt gần như hoàn toàn.

    Ba người này trong số 6 người tại TP HCM ngộ độc botulinum 10 ngày qua, gồm 5 người có triệu chứng bất thường sau ăn giò lụa bán dạo và một người sau ăn mắm. Trong đó, ba bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc ngay, hiện sức khỏe đã cải thiện. Ba người còn lại, là ba bệnh nhân trên bao gồm ca đã tử vong, hết thuốc giải độc, chỉ được điều trị hỗ trợ.


    [​IMG]

    Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Media Quốc hội


    Theo bà Lan, không chỉ thuốc giải botulinum, các loại huyết thanh kháng bệnh dại, thuốc giải độc rắn cũng thường xuyên thiếu. Nguyên nhân là bệnh viện thường dự trù hàng năm các loại thuốc này nhưng luôn đối diện nguy cơ chậm và thủ tục, xin số đăng ký từ Bộ Y tế rất phức tạp. Trong khi đó, giá thuốc lên đến vài nghìn USD một lọ, thuốc nhập về không dùng, hết hạn phải hủy bỏ.

    "Doanh nghiệp nhập thuốc chủ yếu để duy trì quan hệ với bệnh viện, chứ không phải vì lợi nhuận, do thuốc quá đắt mà thủ tục lại rườm rà", bà Lan nói, nhận định giải pháp căn cơ cho thực trạng này là dự trữ quốc gia về thuốc hiếm, thuốc giải độc.

    Bà đề xuất Bộ Y tế là cơ quan đầu mối, tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng ở cả nước. Kho thuốc hiếm nên được đặt ở Hà Nội và TP HCM để đảm bảo điều kiện lưu trữ đặc biệt. Khi có bệnh nhân cần, cơ quan điều phối sẽ chuyển thuốc đến. "Quan trọng nhất, phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có bệnh nhân thì hủy cũng không tiếc tiền", bà Lan nhìn nhận.

    Theo đại biểu TP HCM, cơ chế hiện nay giao đơn vị sự nghiệp, bệnh viện trữ các loại thuốc này là không khả thi, do giá trị thuốc rất đắt. Vì vậy, Bộ Y tế làm đầu mối đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối sẽ cân đối được kế hoạch sản xuất và được giá ưu đãi hơn. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế như kinh phí dự trữ quốc gia, danh mục dự trữ quốc gia, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm cho ý kiến hoặc giao Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết.

    Bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cách thức để giải quyết câu chuyện thuốc hiếm là đấu thầu tập trung. Đây là cách để mua hàng hóa một cách công khai, minh bạch và có cạnh tranh.

    "Đấu thầu tập trung là cách để tìm một nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng loại hàng hóa này, đồng thời có mức giá phù hợp, được thị trường kiểm chứng, không bị độn giá", ông Cường nêu ý kiến, đề nghị Bộ Y tế xem xét lại cách thức tổ chức, thực hiện để hạn chế các vướng mắc trong thực tế.

    Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn này có thể khiến bệnh nhân khó thở, liệt các cơ, diễn biến nhanh hay chậm phụ thuộc lượng botulinum ăn phải.

    Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.

    Đối với 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP HCM đang điều trị, hiện chưa rõ nguyên nhân gây nhiễm độc. Kết quả xét nghiệm mẫu giò lụa, nghi là tác nhân gây ngộ độc, âm tính với botulinum.


    Sơn Hà


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 'Đau buồn khi không trữ thuốc hiếm cứu bệnh nhân botulinum'

Share This Page