Dù được chẩn đoán mắc tăng huyết áp khi còn trẻ, nhưng ca sĩ Tina Turner không điều trị, dẫn đến suy thận và đột quỵ. Hôm 24/5, nữ hoàng nhạc nhạc rock Tina Turner qua đời ở tuổi 83 tại nhà riêng, sau một thời gian dài chống chọi với nhiều loại bệnh tật. Hai tháng trước khi qua đời, bà đã cởi mở tâm sự về tình trạng sức khỏe của mình. Năm 1978, Tina Turner được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, không được điều trị dẫn đến suy thận. "Chưa ai nhắc nhở tôi về sự nguy hiểm của căn bệnh huyết áp hoặc ảnh hưởng lên cơ thể. Tôi coi huyết áp cao là bình thường, do đó không kiểm soát căn bệnh", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với Liên minh Thận Y tế châu Âu. Tình trạng cao huyết áp kéo dài làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến các cơ quan khác. Huyết áp cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, khiến thận không còn khả năng loại bỏ chất cặn bã độc hại hoặc nước thừa ra ngoài da. Đế năm 2009, Tina Turner bị đột quỵ vì cao huyết áp không được kiểm soát. Bác sĩ cũng phát hiện bà đã suy 35% chức năng thận. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh cao huyết áp. Nữ ca sĩ miễn cưỡng uống thuốc trong nhiều năm, song cho rằng thuốc khiến bà cảm thấy tồi tệ hơn. Sau một thời gian, bà quyết định ngừng dùng thuốc và thử phương pháp vi lượng đồng căn. Tuy nhiên, liệu pháp phản tác dụng, bệnh thận của Turner trở nên tồi tệ. Bà thường xuyên bị mệt mỏi, buồn nôn và khó chịu. Theo Science - based Medicine, vi lượng đồng căn là phương pháp điều trị người mắc bệnh nào đó bằng cách sử dụng những chế phẩm được pha chế theo quy trình nhất định, gây ra triệu chứng tương tự căn bệnh cần chữa. Nguyên tắc cơ bản của vi lượng đồng căn là "để những thứ giống nhau chữa cho nhau". Phương pháp này do bác sĩ người Đức Samuel Hahnemann đưa ra lần đầu tiên vào năm 1796, chưa được khoa học chứng minh. Sau lần đột quỵ đầu tiên, Tina Turner bắt đầu chạy thận trong suốt 9 tháng. Đến năm 2013, bà bị đột quỵ lần thứ hai, chỉ ba tuần sau khi kết hôn với chồng là Erwin Bach. "Hôm đó, tôi phát hiện mình không thể đứng vững. Tôi quá xấu hổ và không kêu cứu. Đôi chân với cơ bắp rắn chắc vì nhảy múa, nhưng không còn đủ sức để đứng dậy", bà viết trong cuốn hồi ký My Love Story, phát hành năm 2018. Tina Turner trong buổi biểu diễn tại Hà Lan, tháng 3/2009. Ảnh: Redferns Ba năm sau, Tina Turner được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô đường ruột và polyp ác tính và phải phẫu thuật cắt bỏ phần ruột bị ung thư. Các bác sĩ cho rằng bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bà sẽ phải trì hoãn ca ghép thận được chỉ định trong vòng một năm. Cuối năm 2016, bệnh suy thận nặng hơn. Tina Turner phải nội soi xem xét các dấu hiệu ung thư đường ruột. "Thật kỳ diệu, tất cả chẩn đoán đều bình thường", bà viết trong hồi ký. Cột mốc này mở đầu cho quá trình thu xếp ca ghép thận của bà. Năm 2017, bác sĩ lo ngại khi chức năng thận của Tina Turner giảm xuống còn 5%. Erwin Bach đề nghị hiến một quả thận của mình vợ. "Tôi đã ngoài 70 tuổi. Trong suy nghĩ của tôi, tôi đã sống đủ lâu và không muốn chạy thận suốt đời. Mẹ và chị gái tôi đều đã mất. Nhưng rồi Erwin xen vào, xúc động nói 'Anh không muốn có một người bạn đời nào khác'. Và anh ấy sẵn sàng hiến cho tôi quả thận của mình", nữ ca sĩ chia sẻ. Ca phẫu thuật cấy ghép diễn ra thành công vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, Tina Turner phải trải qua các tác dụng phụ nghiêm trọng, chịu tình trạng thải ghép. Bà ra vào bệnh viện thường xuyên, cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, sợ hãi, hay quên và phải dùng rất nhiều loại thuốc. Hai tháng trước khi qua đời, vào ngày Quốc tế Thận Thế giới (9/3), Tina Turner đã trải lòng về căn bệnh đeo bám dai dẳng. Bà kêu gọi người hâm mộ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc kiểm tra thận, bởi cơ quan này có thể bị tổn thương ngấm ngầm mà không gây đau đớn. Cao huyết áp là nguyên nhân gây suy thận thứ hai ở Mỹ, sau bệnh tiểu đường. Mối quan hệ giữa cao huyết áp và suy thận là vòng tuần hoàn: cao huyết áp không được điều trị có thể khiến người bệnh phát triển biến chứng thận, góp phần khiến suy thận tiến triển nhanh hơn. Thận tổn thương cũng có thể gây ra biến chứng cao huyết áp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, thận mạn tính xảy ra khi một người bị tổn thương lâu dài, thận không thể làm sạch máu hiệu quả. Chất thải độc hại và chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể, dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong sớm. CDC ước tính khoảng 37 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Các dấu hiệu của bệnh thận bao gồm mệt mỏi, khó tập trung, kém ăn, khó ngủ, chuột rút cơ bắp và ban đêm, sưng tấy chân, phù nề mắt, đi tiểu nhiều vào ban đêm. Thục Linh (Theo Insider, CBS News, Today) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress