TP HCM thiếu nhiều thuốc hiếm

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 25, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 90)

    Ngoài thuốc giải độc botulinum, TP HCM đang thiếu nhiều thuốc hiếm do không có nhà cung ứng, bệnh nhân phải sử dụng phác đồ thay thế.


    Thông tin được bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết trong họp báo định kỳ chiều 25/5.

    Theo bà Như, thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có ban hành kèm theo Thông tư Bộ Y tế quy định về Danh mục thuốc hiếm.

    Theo đó, TP HCM đang thiếu một số thuốc hiếm. Cụ thể, Bệnh viện Mắt thiếu thuốc nhỏ mắt Atropin; Bệnh viện Da liễu thiếu thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; Bệnh viện Truyền máu Huyết học thiếu thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin và thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.

    Các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện phải sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.

    Ngoài ra, TP HCM không có sẵn các thuốc cấp cứu như trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra. Đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.

    Theo bà Như, nguồn cung rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối; giá trị tiền thuốc cao; nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Do đó, Sở Y tế TP HCM đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước.


    [​IMG]

    Bà Lê Thiện Quỳnh Như trong họp báo định kỳ, chiều 25/5. Ảnh: TTBC


    Trả lời VnExpress, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP HCM, cũng nhận định những thuốc hiếm như BAT, huyết thanh trị độc rắn cắn..., nếu chỉ phó mặc cho các cơ sở điều trị đặt mua thì rất khó và cũng chỉ có thể đặt mua số lượng rất ít (vì thuốc có hạn dùng ngắn và đắt tiền, khó bảo quản). Chưa kể, việc mua thuốc cũng rất gian nan vì các công ty bán với số lượng ít, lợi nhuận không nhiều.

    Do đó, theo bà Lan, cách tối ưu nhất để bảo đảm việc điều trị là phải có dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm. Thuốc nên được Bộ Y tế dự trù 6 tháng hoặc một năm, sau đó đàm phán giá, mua về và dự trữ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM điều chuyển ngay khi cần.

    "Việc mua thì phải chấp nhận, nếu cả năm không dùng đến thì phải thấy may mắn, tức là không có ai bị ngộ độc cả, thà mất tiền như vậy còn hơn", bà Lan cho hay.

    Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 6 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc BAT. Tuy nhiên, một bệnh nhân đã qua đời trước khi được truyền một trong 6 lọ thuốc giải độc mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tài trợ. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian "vàng".

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - TP HCM thiếu nhiều thuốc hiếm

Share This Page