Cả nước đã hết vaccine 5 trong 1, một số vaccine khác cũng dần cạn kiệt, khiến tỷ lệ tiêm chủng không đạt theo kế hoạch và thấp hơn so với năm 2021, theo Bộ Y tế. "Toàn quốc đã hết vaccine 5 trong 1 từ tháng 2. Vaccine DPT cũng bắt đầu hết. Các vaccine còn lại thì có thể sử dụng lác đác từ nay đến cuối năm", bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 khu vực phía Nam, ngày 23/5. Vaccine 5 trong 1, còn gọi DPT-VGB-HiB, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Theo bà Hồng, hiện chỉ có một số huyện, xã còn rải rác vài liều vaccine 5 trong 1, đủ dùng đến tháng 4. Một số vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine DPT cũng bắt đầu hết; vaccine BCG (phòng bệnh lao), sởi, rubella dùng được đến tháng 8; vaccine phòng bại liệt bOPV (dạng uống) sẽ thiếu trong vài tháng tới; vaccine uốn ván có thể dùng đến hết năm 2023. Trên thực tế, TP HCM, Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành như Tiền Giang, An Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Dương... đã hết vaccine tiêm cho trẻ. Thiếu vaccine khiến tỷ lệ tiêm chủng mở rộng TP HCM thấp. Bốn tháng đầu năm, TP HCM chỉ đạt 77,3% tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi, trong khi chỉ tiêu là 95%. Những năm qua, từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau đó, vaccine được cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ. Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vaccine xảy ra từ mùa hè năm ngoái. Nguyên nhân do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Các nhà sản xuất vaccine cho biết "có sẵn vaccine trong kho, song không thể xuất hàng để phục vụ tiêm chủng". Tình trạng thiếu trở nên trầm trọng khi theo quy định mới, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Tức là địa phương sẽ tự mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng phục vụ nhu cầu của tỉnh thành. Trong bối cảnh này, các địa phương kêu khó, do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn cung và cũng lo giá mua chênh lệch. Tiêm vaccine cho trẻ em tại bệnh viện. Ảnh: Chi Lê Bà Hoàng Ngọc Mai, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết khu vực phía Nam có 90 quận, huyện của 15 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp, dưới 80%. Theo bà Mai, điều này khiến các bệnh truyền nhiễm nguy cơ bùng phát trên phạm vi lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao. Trả lời VnExpress, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, cũng nêu rõ nguy cơ nếu chưa có vaccine thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm đều có thể quay lại. Ví dụ năm 2014, dịch sởi bùng phát, một loạt trẻ tử vong, lý do là tiêm chủng sởi khi đó chưa tốt và sau đó cả nước đã tốn rất nhiều công sức để khắc phục. "Vậy nên tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất, nếu không chúng ta sẽ trả giá bằng chính tính mạng của người dân", bà Lan nhấn mạnh. Để giải quyết tình trạng thiếu vaccine, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu về vaccine báo cáo Bộ Y tế. Bộ cũng đang trình báo cáo Chính phủ và sẽ có một số báo cáo trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, mong muốn tiếp tục được cung ứng vaccine tập trung như trước đây, theo bà Hồng. "Tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị số lượng đặt hàng vaccine và thời gian địa phương nhận vaccine", bà Hồng nói, đề nghị khi địa phương ký hợp đồng với nhà sản xuất, nhận vaccine thì cần cố gắng triển khai tiêm chủng, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu vaccine. Tiêm chủng Mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Lê Nga - Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress