Bạn chắc chắn sẽ bị lạnh và ướt khi nhảy dù xuyên qua đám mây, bất kể loại mây đó là gì. Trải nghiệm nhảy dù xuyên qua đám mây phụ thuộc vào từng loại mây. Ảnh: Skydive Langar Trải nghiệm rơi xuyên qua đám mây sẽ tùy thuộc vào loại mây, đồ bảo hộ và điều kiện thời tiết. Nhưng kết quả chung là bạn sẽ ướt sũng, lạnh cóng và thậm chí bất tỉnh, theo mô tả của những người từng trải qua. Mây hình thành khi phân tử nước ngưng tụ quanh các hạt trong không khí, gọi là aerosol, bản chất của những hạt đó ảnh hưởng tới loại và kích thước đám mây.Tuy nhiên, theo Marilé Colón Robles, nhà khoa học khí quyển ở Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA ở Virginia, người chuyên nghiên cứu mây, "không phải mọi hạt aerosol đều giống nhau". Một số aerosol tự nhiên như bụi, thường thúc đẩy sự hình thành của hạt băng, trong khi hơi nước trên biển góp phần tạo ra phân tử nước. Giới khoa học cũng thử nghiệm đưa aerosol nhân tạo vào khí quyển, bao gồm iod bạc hoặc chì, nhằm sản sinh đám mây đặc sáng màu, giúp phản chiếu bức xạ Mặt Trời hoặc tạo mưa và tuyết. Do người nhảy dù rơi xuống từ độ cao 4.000 m, khả năng cao nhất là họ sẽ gặp mây tầng dày và mây tích bồng bềnh đáy phẳng. Cả hai loại mây này đều cấu tạo chủ yếu từ phân tử nước. Khi xuất hiện ở độ cao hơn 1.980 m, chúng được gọi là mây trung tầng và mây trung tích để đánh dấu vị trí trong khí quyển. Ryan Katchmar, hướng dẫn viên nhảy dù ở bang Utah từng thực hiện 10.000 lần nhảy, nhấn mạnh mọi người không nên cố rơi xuyên qua những đám mây bởi không có cách nào để theo dõi mối nguy hại tiềm ẩn, bao gồm người chơi khác hoặc máy bay. Nhưng đôi khi họ không thể tránh được. "Cảm giác không giống bất cứ thứ gì khác. Bạn rơi xuyên qua một căn phòng trắng, sau đó chui ra ở dưới đáy. Nếu đó là đám mây dày sẫm màu, bạn sẽ ướt sũng", Katchmar chia sẻ. Ông thích cảm nhận không khí ở khu vực ẩm ướt nhưng tươi mát. Katchmar cũng từng trải qua điều kiện lạnh bất ngờ. Vì lý do này, người nhảy dù thường mặc kín để tránh bị thương do da thịt lộ ra ngoài. Trong một chuyến nhảy gần đây ở Utah, khi quay phim một người nhảy dù khác, Katchmar phát hiện mũi và gò má người phụ nữ chuyển thành màu trắng do băng hình thành xung quanh lúc rơi qua đám mây. Trường hợp khắc nghiệt nhất khi nhảy dù trong thời tiết xấu liên quan tới giông bão. Bên trong đám mây giông, không khí nóng có thể bốc lên với tốc độ 160 km/h, nhưng ở độ cao lớn, các hạt rơi xuống dưới dạng mưa hoặc mưa đá. Ngoài ra, phần lớn sấm sét xuất hiện trong giông bão giáng xuống bên trong hoặc giữa những đám mây. Chỉ có hai người sống sót sau chuyến nhảy dù qua đám mây giông chứa sấm sét. Năm 1959, trung tá người Mỹ Henry Rankin lao khỏi máy bay tiêm kích trong thời tiết dữ dội và trải qua 40 phút bên trong đám mây giông, bị bỏng lạnh và suýt chết đuối trước khi bắn ra ở độ cao cách mặt đất hơn trăm mét và rơi xuống ngọn cây. Nhiều thập kỷ sau, năm 2007, vận động viên dù lượn Ewa Wiśnierska vô tình bị cuốn vào đám mây giông trong lúc tập luyện cho giải vô địch thế giới. Wiśnierska bất tỉnh do thiếu oxy và hạ cánh vài giờ sau ở nơi cách xa 60 km. An Khang (Theo Live Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress