Mỹ bỏ xa Trung Quốc tới đâu trong cuộc đua vũ trụ?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 20, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 240)

    Trong một số mảng quan trọng, Mỹ không chỉ vượt xa Trung Quốc mà còn vượt tất cả những nước khác hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ cộng lại.


    [​IMG]

    Trung Quốc và Mỹ đều đặt mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng. Ảnh: Euronews


    Sự vượt trội của Mỹ

    Về ngân sách, năm 2021, ngân sách không gian của Mỹ là khoảng 59,8 tỷ USD. Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ vũ trụ và tên lửa trong thập kỷ qua và đã tăng gấp đôi chi tiêu trong 5 năm qua. Tuy nhiên, ngân sách ước tính của nước này dành cho không gian năm 2021 vẫn chỉ là 16,18 tỷ USD, chưa đến 1/3 ngân sách của Mỹ, theo Svetla Ben-Itzhak, phó giáo sư Không gian và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Air (AU) ở Mỹ.

    Mỹ cũng bỏ xa Trung Quốc về số lượng vệ tinh đang hoạt động. Tính đến tháng 4/2023, tổng cộng 5.465 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Mỹ vận hành 3.433 vệ tinh, chiếm khoảng 63% và đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 541 vệ tinh.

    Mỹ sở hữu nhiều sân bay vũ trụ hơn Trung Quốc. Với 7 bãi phóng đang hoạt động trong và ngoài nước và ít nhất 13 sân bay vũ trụ đang phát triển, Mỹ có nhiều lựa chọn hơn để phóng hàng hóa lên những quỹ đạo khác nhau. Trung Quốc chỉ có 4 sân bay vũ trụ đang hoạt động và hai sân bay khác đang phát triển theo kế hoạch, tất cả đều nằm trong lãnh thổ của nước này.


    [​IMG]

    Các tên lửa của SpaceX mang hàng trăm vệ tinh tư nhân lên quỹ đạo mỗi năm từ 7 sân bay vũ trụ đang hoạt động của Mỹ. Ảnh: SOPA Images/LightRocket


    Một khác biệt lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là số lượng hợp tác quốc tế. Suốt nhiều thập kỷ, NASA đã phát triển các mối quan hệ đối tác thương mại và quốc tế trong nhiều mảng, từ phát triển công nghệ vũ trụ đến đưa người lên không gian. Chính phủ Mỹ đã ký 169 thỏa thuận chia sẻ dữ liệu không gian với 33 bang và tổ chức liên chính phủ, 129 thỏa thuận với các đối tác thương mại và 7 thỏa thuận với các tổ chức học thuật.

    Trung Quốc cũng có những đối tác hỗ trợ trong lĩnh vực không gian, đáng chú ý nhất là Nga và các thành viên của Tổ chức Hợp tác Không gian châu Á - Thái Bình Dương gồm Iran, Pakistan, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nhìn chung, số lượng đối tác của Trung Quốc ít hơn và có năng lực không gian kém hơn, theo Ben-Itzhak.

    Cuộc đua Mặt Trăng thể hiện rõ khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong phương diện hợp tác quốc tế. Cả hai nước này đều có kế hoạch đưa người lên bề mặt Mặt Trăng và xây dựng căn cứ tại đây trong tương lai gần.

    Năm 2019, Nga và Trung Quốc đồng ý hợp tác lên Mặt Trăng vào năm 2028. Nga đóng góp trạm đổ bộ Luna và tàu chở người Oryol, trong khi Trung Quốc cải tiến tàu vũ trụ Hằng Nga. Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế của hai nước này mở cửa với tất cả các bên quan tâm và đối tác quốc tế. Nhưng đến nay, chưa có thêm quốc gia nào khác tham gia.

    Trong khi đó, từ năm 2020, 24 nước đã tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu. Hiệp định quốc tế này đưa ra những nguyên tắc hợp tác chung cho hoạt động không gian trong tương lai. Mục tiêu của Chương trình Artemis là đưa con người trở lại Mặt Trăng năm 2025, sau đó xây dựng trạm vũ trụ Mặt Trăng và lập căn cứ trên Mặt Trăng. Ngoài ra, Chương trình Artemis cũng ký hợp đồng với nhiều công ty tư nhân để phát triển hàng loạt công nghệ, từ trạm đổ bộ Mặt Trăng đến các phương pháp xây dựng ngoài Trái Đất.


    [​IMG]

    Phi hành gia Trung Quốc Fei Junlong tiến hành các hoạt động ngoài không gian trên trạm vũ trụ Thiên Cung ngày 9/2/2023. Ảnh: Liu Fang/Xinhua/AP


    Những thành tựu ấn tượng của Trung Quốc

    Dù Mỹ chiếm ưu thế rõ ràng trong nhiều lĩnh vực không gian, Trung Quốc vẫn có những con số đáng ghi nhận.

    Năm 2021, Trung Quốc thực hiện 55 vụ phóng lên quỹ đạo, nhiều hơn Mỹ 4 vụ phóng. Nhưng dù tổng số vụ phóng gần tương đương, hàng hóa mà các tên lửa mang lên quỹ đạo rất khác nhau. 84% các vụ phóng của Trung Quốc có hàng hóa của chính phủ hoặc quân đội, có thể chủ yếu dùng cho tình báo điện tử và chụp ảnh quang học. Trong khi đó, 61% vụ phóng của Mỹ dành cho mục đích phi quân sự, học thuật hoặc thương mại, chủ yếu nhằm quan sát Trái Đất hoặc hoạt động viễn thông.

    Trạm vũ trụ là một thành tựu khác của Trung Quốc. Module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung phóng lên quỹ đạo năm 2021. Cấu trúc hình chữ T của trạm với 3 module chính hoàn thành vào cuối năm 2022. Trung Quốc đã chế tạo và phóng toàn bộ các module của trạm Thiên Cung. Nước này hiện là nhà vận hành duy nhất của trạm, nhưng cũng tỏ ra sẵn sàng hợp tác với các nước khác.

    Từ những năm 1990, Mỹ đã hợp tác với 14 quốc gia, trong đó có Nga, để vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cấu tạo từ 16 module, ISS lớn hơn nhiều so với trạm Thiên Cung. Trạm vũ trụ này cũng đạt được nhiều đột phá về khoa học công nghệ sau vài thập kỷ hoạt động. Tuy nhiên, ISS hiện khá "già" và các nước tham gia đang lên kế hoạch cho trạm "nghỉ hưu" khoảng năm 2030.

    Trung Quốc đang tiếp tục phát triển năng lực không gian. Theo một báo cáo vào tháng 8/2022, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ sớm nhất vào năm 2045 nếu Mỹ không hành động. Tuy nhiên, khó có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục trì trệ vì nước này vẫn đang đầu tư thêm cho không gian.

    Thu Thảo (Theo Space)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Mỹ bỏ xa Trung Quốc tới đâu trong cuộc đua vũ trụ?

Share This Page