Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo, việc lắp đặt phần nổi của giàn khoan ngoài khơi 15.000 tấn đã hoàn thành hôm 13/5. Giàn khoan ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc, Ân Bình 20-4, hoàn thành lắp đặt phần nổi ở khu vực cửa sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, ngày 13/5. Ảnh: CNOOC Phần nổi của giàn khoan mới, Ân Bình 20-4, được lắp đặt bằng cách sử dụng một giàn jacket, khung thép chống đỡ phần nổi. Ân Bình 20-4 nằm ở mỏ dầu Ân Bình, khu vực cửa sông Châu Giang, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Giàn khoan này lập kỷ lục mới ở Trung Quốc về trọng lượng phần nổi lắp đặt bằng phương pháp float-over (cấu trúc bên trên được chế tạo sẵn rồi đặt lên trên phần chìm) và sử dụng hệ thống định vị động. Giàn khoan Ân Bình 20-4 có cấu trúc kết nối với các phương tiện để khoan giếng và khai thác dầu do Trung Quốc thiết kế, chế tạo và lắp đặt độc lập, theo Liu Huaxiang, quản lý tại trung tâm xây dựng kỹ thuật nước sâu thuộc chi nhánh Thâm Quyến của CNOOC. Với chiều dài 95 m và chiều rộng 40 m, bề mặt của giàn khoan rộng tương đương 9 sân bóng rổ. Các công nhân đã đóng 12 cọc thép với chiều dài 145 m và đường kính 2,4 m xuống đáy biển, độ sâu 120 m, nhằm đảm bảo phần nổi trên bề mặt và giàn jacket, nặng tổng cộng hơn 27.000 tấn, có thể chịu được bão. Phương pháp lắp đặt float-over áp dụng lần này giúp tăng gấp đôi tốc độ vận chuyển của giàn khoan và rút ngắn thời gian vận hành, theo CNOOC. Khi đi vào hoạt động, toàn bộ mỏ dầu dự kiến đạt sản lượng dầu thô hàng năm cao nhất là hơn 3,6 triệu tấn. Thu Thảo (Theo CGTN) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress