Loài cá mập có thể nín thở dưới biển sâu

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 14, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 294)

    Chiến thuật nín thở giúp cá mập đầu búa chịu nhiệt độ lạnh cóng khi săn mồi ở độ sâu gần một kilomet dưới mặt biển.


    [​IMG]

    Cá mập đầu búa săn mồi ở độ sâu cực lớn. Ảnh: Earth


    Cá mập đầu búa có thể nín thở khi lặn sâu xuống vùng nước lạnh cóng. Nghiên cứu công bố hôm 12/5 trên tạp chí Science hé lộ chiến thuật này cho phép loài cá quen sống ở vùng nước ấm điều phối nhiệt độ khi đi săn. Theo Mark Royer, nhà sinh vật học cá mập ở Đại học Hawaii, trưởng nhóm nghiên cứu, kỹ thuật này hoàn toàn gây bất ngờ cho ông và cộng sự. Đây là loại hành vi chưa bao giờ được quan sát ở bất kỳ loài cá lặn sâu nào, đồng thời dấy lên câu hỏi về mức độ phổ biến của hành vi nín thở ở những loài khác.

    Cá mập đầu búa cực kỳ nguy cấp thường dựa vào chuyển động về phía trước để đẩy nước qua mang, cho phép chúng lọc oxy cần thiết để thở. Tuy nhiên, khi cá mập đầu búa bơi sâu khoảng 800 m để bắt mực và con mồi khác, nước lạnh hơn có thể ảnh hưởng tới trao đổi chất, chức năng tim mạch và thị lực, mọi yếu tố làm giảm khả năng săn mồi của chúng.

    Bằng cách đóng mang và miệng để nín thở, cá mập đầu búa có thể hạn chế tiếp xúc với nước lạnh. Một số loài như cá ngừ vây xanh và cá mập mako có cấu tạo cơ thể đặc biệt cho phép chúng bảo tồn nhiệt lượng cơ thể trong nước lạnh, nhưng cá mập đầu búa không có lợi thế đó. Đấy là lý do tại sao một số nhà khoa học đặt giả thuyết cá mập đầu búa duy trì nhiệt lượng cơ thể bằng cách sử dụng quán tính nhiệt đơn giản, tức dựa vào kích thước cơ thể lớn để giữ nhiệt độ và mang nhiệt lượng theo khi chúng lặn ở vùng biển lạnh sâu. Tuy nhiên, những cảm biến nhỏ nhóm nghiên cứu đặt trên một con cá mập đầu búa trưởng thành, cho thấy quán tính nhiệt không phải lý do chúng giữ ấm trong chuyến đi săn dưới biển sâu.

    Trong nghiên cứu, nhóm của Royer phân tích thông tin chi tiết về hành vi bơi, độ sâu và vị trí của một nhóm 6 con cá mập đực gắn thẻ. Tổng cộng, chúng đã thực hiện hơn 100 chuyến lặn quanh Hawaii trong vòng vài tuần. Cảm biến cũng ghi lại nhiệt độ cơ bắp của chúng trong những chuyến lặn đêm lặp lại này. Kết hợp với mô hình, dữ liệu chỉ ra cá mập duy trì nhiệt độ cơ thể cả khi chúng ở mặt nước khoảng 26,7 độ C và khi chúng lặn sâu hơn 762 m, nơi nhiệt độ giảm còn 5 độ C.

    Nhiệt độ cơ thể của cá mập thực sự giảm khi chúng bơi lên cao và tới vùng nước ấm hơn ở nửa chừng quãng đường quay lại mặt nước, chúng mở mang để thu thập oxy cần thiết. Đó không phải những gì nhóm nghiên cứu dự đoán với quán tính nhiệt. Dù không quan sát cá mập thực sự đóng mang, họ nghi ngờ đó là những gì xảy ra. Để xác nhận giả thuyết nín thở, Roger và cộng sự sẽ cần gắn camera vào vây ngực của cá mập đầu búa để quan sát mang mở và đóng khi cá mập lặn.

    Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ loài cá mập dài 3,7 m học được kỹ năng nín thở bằng cách nào. Theo Royer, có thể chúng học từ tương tác xã hội với con cá mập đầu búa khác. Một bằng chứng khác củng cố giả thuyết của họ là thước phim từ phương tiện điều khiển từ xa cho thấy cá mập đầu búa trưởng thành bơi ở Tanzania tại độ sâu hơn 914 m với phần mang đóng lại. Nếu cá mập đầu búa nín thở khi kiếm ăn dưới biển sâu, chúng có thể chịu được môi trường nồng độ oxy thấp đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Điều đó có thể giải thích sự tồn tại của chúng ở vùng biển ít oxy tại vịnh California.

    An Khang (Theo National Geographic)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Loài cá mập có thể nín thở dưới biển sâu

Share This Page