Đa số dự án AI mới ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi các học giả hoặc chuyên gia công nghệ cấp cao, sau thành công bất ngờ của OpenAI. Vào tháng 3, Jia Yangqing, cựu phó chủ tịch của Alibaba Group Holding đã rời tập đoàn sau nhiều năm thử nghiệm và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ông muốn theo đuổi thử thách tiếp theo, tham gia một công ty khởi nghiệp, tập trung vào cơ sở hạ tầng AI. Những đối thủ nặng ký khác của ông là Wang Changhu, cựu giám đốc công nghệ thị giác tại ByteDance, và Li Yan, lãnh đạo nhóm Phân tích đa phương tiện của Kuaishou về video ngắn cũng đã thành lập các startup riêng về AI. Theo giới phân tích, thành công của OpenAI là nguồn cảm hứng thúc đẩy họ rời các công ty công nghệ lớn để bắt đầu dự án kinh doanh riêng. Trước đó, vào tháng 2, Wang Huiwen, đồng sáng lập Meituan, công bố khoản đầu tư cá nhân trị giá 50 triệu USD để thành lập công ty công nghệ Lightyear Bắc Kinh. Họ cũng không ngừng săn lùng tài năng để "xây dựng OpenAI của Trung Quốc". Ngay sau đó, công ty ông mua lại OneFlow Technology, nhà phát triển mã nguồn mở AI cho máy học. Hai công ty tiến hành sáp nhập để tiếp tục vòng kêu gọi tài trợ với định giá một tỷ USD. Những thành công này cũng thúc đẩy Kai-Fu Lee, CEO của Sinovation Ventures, thành lập startup tập trung vào phát triển AI với dự án Project Al 2.0. Kai-Fu Lee, từng giữ vị trí chủ tịch Google Trung Quốc, thành lập Project Al 2.0. Ảnh: Nikkei Thách thức Ngoài những startup được công khai, nhiều dự án AI mới đang được tiến hành bí mật, do đó khó đưa ra con số chính xác. Một số nhà phân tích ước tính trong vòng 3 tháng tới, Trung Quốc có thể có thêm 50 startup về AI. Tuy nhiên, con số quá lớn này cũng là thách thức với ngành công nghệ nước này về cả nhân lực và tài chính. Yin Qi, CEO của AI Megvii Technology, cho biết để một công ty xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn kiểu ChatGPT cần ít nhất 10.000 chip xử lý đồ họa Nvidia A100 - tương đương hai tỷ nhân dân tệ (289 triệu USD). Mức này nằm ngoài khả năng của nhiều công khởi nghiệp bởi chi phí đầu tư trong nhiều năm quá lớn trước khi có thể thu lời. SenseTime Group, nhà phát triển có uy tín trong lĩnh vực AI, đã đặt cược vào một bộ dịch vụ bao gồm mô hình AI lớn SenseNova và chatbot SenseChat, chứa 180 tỷ tham số. Công ty tham vọng SenseNova sẽ trở thành "siêu thị mô hình AI lớn" cho khách hàng và đối tác. Tuy nhiên, năm 2022, công ty chỉ đạt doanh thu 3,8 tỷ nhân dân tệ, lỗ hơn 6 tỷ nhân dân tệ. Con số này cũng quá nhỏ so với đối thủ Baidu với doanh thu 123,7 tỷ nhân dân tệ và lợi nhuận 20,7 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, SenseTime đang bị Mỹ giám sát công nghệ khiến họ khó có thể tiếp cận vốn và những tiến bộ mới từ bên ngoài. Theo IDC, đầu tư AI của Trung Quốc dự kiến đạt 26,69 tỷ USD vào năm 2026, chiếm khoảng 8,9% đầu tư toàn cầu. Phần cứng sẽ là thị trường sơ cấp lớn nhất trong 5 năm tới và đầu tư sẽ đạt hơn 15 tỷ USD. Dự báo đầu tư vào AI của Trung Quốc đến năm 2026. Nguồn: IDC Cơ hội cho startup nhỏ Các startup nhỏ hơn gặp trở ngại trong việc đón đầu xu hướng do không đủ nguồn lực, họ lo sợ sẽ bị bỏ rơi trong cuộc đua công nghệ này. Do đó, họ lựa chọn phát triển các ứng dụng AI tầm trung, phục vụ nhu cầu thị trường ngách như tài chính, bán lẻ hay trò chơi điện tử, tiêu dùng. Zhou Ming, nhà sáng lập công ty công nghệ Langboat Beijing, nhận thấy lĩnh vực tài chính vẫn rất tiềm năng với AI. Đây là nơi tập hợp lượng dữ liệu khổng lồ, có thể sử dụng. Khách hàng tiềm năng và chi tiêu tài chính của nhóm này cũng vô cùng lớn. Hiện công ty cung cấp các công cụ phân tích thiện cảm của công chúng, báo cáo nghiên cứu và dịch vụ tài chính chuyên nghiệp. Theo Zhou Zhifeng, đối tác công ty đầu tư Qiming Venture Partners, cho biết các API mô hình lớn, phần mềm trung gian cho phép hai ứng dụng "nói chuyện" với nhau, giúp họ thành lập một nhóm quy mô tương đối nhỏ mà không cần tuyển dụng kỹ sư phần mềm. Nhờ API, Zhang Shiying, CEO của ZMO.AI, đã xây dựng được một nhóm khoảng 20 người và ra mắt nền tảng tạo nội dung tiếp thị bằng AI vào tháng 9/2022, thu hút hơn một triệu người dùng hàng thángt. Vào tháng 2, công ty tung ra một sản phẩm trả phí và bắt đầu có lợi nhuận. Robin Li, CEO của Baidu, cho biết các công ty startup không cần xây dựng mô hình cồng kềnh mà nên tập trung vào phát triển ứng dụng. Cơ hội kinh doanh lớn gấp 10 lần WeChat và Douyin có thể sẽ xuất hiện. Huế Nguyễn (theo Nikkei Asisa) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ