Hà NộiDưới 10% người mắc ung thư trực tràng được phát hiện sớm, đa số đến khám ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, theo Bệnh viện 108. Thông tin được PGS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện 108, cho biết tại Hội nghị khoa học chào mừng thành lập Hội sàn chậu học Việt Nam, ngày 13/5. Hội nghị có hàng trăm chuyên gia, bác sĩ của các bệnh viện tham dự, nhằm tạo một mạng lưới chuyên sâu tập trung vào các bệnh lý liên quan đến sàn chậu, hậu môn và trực tràng. Ung thư trực tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Theo GLOBOCAN 2020, loại ung thư này đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca mới, khoảng 8.000 người tử vong. Theo PGS Dương, tỷ lệ phát hiện bệnh ở đoạn một vẫn rất hiếm, chỉ dưới 10%. Lý do, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm triệu chứng rất im lìm, như đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc tiêu chảy xen táo bón, tiêu ra máu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do. Khi sờ thấy u bụng mới đi khám, bệnh đã ở giai đoạn muộn. "Bất cứ loại bệnh nào, đặc biệt với ung thư thì việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị", ông Dương cho biết, khuyến cáo người dân cần tầm soát sớm, tránh để bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó cho điều trị và rút ngắn thời gian, chất lượng sống. Tuy nhiên, tại Bệnh viện 108, hiện bệnh nhân chẩn đoán bệnh ở giai đoạn 2-3 tăng lên 60-65%, so với trước đây 70-80% ở giai đoạn muộn. "Khi tìm ra bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị rất khả thi, chỉ cần dùng hóa chất, xạ trị hoặc phẫu thuật đơn giản là bệnh nhân sống tốt", bác sĩ Dương nói, thêm rằng tỷ lệ phát hiện sớm tăng là do người dân ngày càng có ý thức tầm soát bệnh. Nhờ phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, bệnh nhân ung thư đại tràng có tỷ lệ sống cao hơn. Cụ thể, nghiên cứu tại Viện 108, 73% bệnh nhân sống trên 5 năm, so với 45% trước đây. Bên cạnh tầm soát bệnh sớm, kỹ thuật mổ, nạo vét hạch triệt để, tác dụng hóa xạ trị cũng góp phần kéo dài thời gian sống của người bệnh. Một ca phẫu thuật ung thư trực tràng tại Bệnh viện 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp PGS Dương cho biết hiện ung thư trực đang có dấu hiệu trẻ hóa, do nguyên nhân lối sống, bên cạnh yếu tố di truyền. Tiến sĩ Subhankar Chakraborty, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của Trung tâm Ung thư Toàn diện, Đại học Bang Ohio, Mỹ cũng nhận định chế độ ăn uống, lối sống là một trong những nguyên do khiến số ca ung thư đại tràng tăng. "Hút thuốc, thiếu hoạt động thể chất, uống rượu, thừa cân, béo phì, tăng tiêu thụ thịt đỏ có thể dẫn đến ung thư", tiến sĩ Chakraborty cho biết trên CNN. Để phòng ngừa, các bác sĩ khuyên nên tầm soát phát hiện sớm ung thư đại tràng đối với người trên 50 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ, bằng xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi. Tùy thuộc tổn thương được phát hiện, bác sĩ có thể hẹn khoảng cách các lần soi 3-5 năm một lần. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress