Hà NộiĐau lưng suốt ba tuần, bệnh nhân 33 tuổi đi khám, phát hiện vi khuẩn lao ăn mòn thân đốt sống gây đau đớn. Người bệnh cho biết cơn đau vùng thắt lưng ngày càng dữ dội khi cúi, vặn người hoặc vận động dài. Chị đi khám tại một số cơ sở y tế gần nhà, được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thoát lưng, tiêm giảm đau và điều trị thuốc nhưng không đỡ. Ngày 13/5, bác sĩ Đỗ Huy Hoàng, khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng để kiểm tra, phát hiện tổn thương đĩa đệm L4/L5 và hai thân đốt sống cạnh nhau rất bất thường. Người bệnh được sinh thiết, kết quả bị lao cột sống giai đoạn sớm. Theo bác sĩ, đây là trường hợp hiếm gặp vì bệnh nhân còn trẻ. Vi khuẩn lao đã xâm nhập, âm thầm ăn mòn thân đốt sống L4/L5 khiến người bệnh đau âm ỉ, kéo dài. "Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn sẽ sinh sôi gây tình trạng mục, gãy đốt sống khác, có khả năng hình thành ổ áp xe chèn ép cơ quan nội tạng, tủy sống tăng nguy cơ mất vận động, thậm chí tử vong khi ổ áp xe vỡ", bác sĩ nói. Bác sĩ chỉ định điều trị lao cột sống bằng nội khoa và vật lý trị liệu. Trong đó, điều trị nội khoa sử dụng các loại thuốc đặc trị giúp tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn lao. Bác sĩ sinh thiết xương để tìm ra nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Lao cột sống là bệnh lý lao thứ phát, thường gặp nhất trong hệ vận động. Đây là bệnh lây lan do vệ sinh, môi trường, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn cộng với các bệnh làm suy giảm miễn dịch khiến vi trùng lao ngày càng tạo ra nhiều chủng kháng thuốc, khiến việc điều trị phức tạp hơn. Hiện, tỷ lệ lao cột sống nói riêng và lao nói chung giảm nhiều do chất lượng cuộc sống cao hơn. Khi có những dấu hiệu khởi phát như đau lưng, mệt mỏi, chán ăn cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không bỏ thuốc, không ngưng thuốc để tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc. Minh An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress