Chiều 6/5, đại diện Sở Y tế thông tin kết quả xét nghiệm từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheria (gây bệnh bạch hầu). Sở đã lấy thêm 61 mẫu liên quan và gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra. Trước đó, ngày 30/4, bé gái cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốt cao 39 độ C, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi viêm cơ tim, tiên lượng nặng. Sau một tiếng, trẻ ngừng tuần hoàn (ngưng tim, thở), phù phổi và tử vong. Đây là trường hợp đầu tiên qua đời vì bệnh bạch hầu sau hàng chục năm địa phương này không ghi nhận ca mắc nào. Hiện, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các nơi bệnh nhân tiếp xúc như gia đình, trường học. Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần. Bệnh dễ lây hơn trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Triệu chứng chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác là viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành. Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp. Để phòng ngừa, gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vaccine bạch hầu. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có biểu hiện nghi bạch hầu như sốt, đau họng, xuất hiện giả mạc trắng xám trong họng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám cũng như điều trị kịp thời. Minh An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress