Các nhà thiên văn học mô phỏng 24 hành tinh bay theo cùng quỹ đạo giống như những viên ngọc trai trên một sợi dây chuyền. Số hành tinh chia sẻ cùng quỹ đạo quanh sao chủ có thể lên tới 24. Ảnh: BBC Trái Đất và 7 hành tinh khác cùng quay trong hệ Mặt Trời nhưng di chuyển theo quỹ đạo riêng. Tuy nhiên, các hệ sao khác có thể có 2, 3 hoặc thậm chí 24 hành tinh đuổi theo nhau trên cùng quỹ đạo quanh sao chủ, Popular Science hôm 3/5 đưa tin. Mô phỏng trên máy tính của một nhóm nhà thiên văn học quốc tế minh họa cách hơn hai chục hành tinh có thể chia sẻ cùng quỹ đạo trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society. Cấu hình này có thể ổn định suốt hàng tỷ năm, thậm chí lâu hơn ngôi sao chúng quay xung quanh, theo trưởng nhóm nghiên cứu Sean Raymond ở Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Bordeaux. Có một số ví dụ về những thiên thể nhỏ cùng quỹ đạo. Hệ Mặt Trời có vài quỹ đạo kỳ lạ gọi là quỹ đạo móng ngựa hoặc nòng nọc, tùy theo hình dáng của chúng. Những tiểu hành tinh Trojan chia sẻ quỹ đạo nòng nọc với sao Mộc ở các điểm phía trước và sau hành tinh khí khổng lồ. Hai mặt trăng của sao Thổ là Janus và Epimethus, quay quanh hành tinh này theo quỹ đạo hình móng ngựa và định kỳ đổi chỗ cho nhau. Do đó, giới nghiên cứu cho rằng có thể tồn tại những ngoại hành tinh bay chung quỹ đạo. Mô phỏng của Raymond và cộng sự cũng hé lộ hành tinh cùng quỹ đạo có dấu hiệu đặc trưng để các nhà thiên văn học trên Trái Đất quan sát. Kính viễn vọng không gian Kepler và nhiều đài quan sát khác có thể phát hiện biến động thời gian quá cảnh (TTV), trong đó lực hấp dẫn giữa những hành tinh gần nhau thay đổi nhẹ khi hành tinh di chuyển qua phía trước sao chủ. TTV từ hệ sao gồm 24 hành tinh lớn cỡ Trái Đất chia sẻ cùng quỹ đạo sẽ đủ lớn để giới thiên văn học có thể quan sát. Nhưng họ sẽ mất nhiều tháng tới nhiều năm theo dõi để phát hiện ảnh hưởng, theo nhà thiên văn học Rob Zellem ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. An Khang (Theo Popular Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress