Trong nhiều ngày qua TP HCM duy trì mức nhiệt 38 đến hơn 40 độ C, do biến đổi khí hậu, theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan. Người dân TP HCM trong thời tiết nắng nóng, tháng 4/2023. Ảnh: Quỳnh Trần Theo bà Lan, nhiệt độ do cơ quan khí tượng thông báo được đo trong lều khí tượng. Thực tế, nhiệt độ con người cảm nhận bên ngoài cao hơn, có thể trên 40 độ C ở TP HCM, nhất là các khu vực công trường, xe cộ, nhiều nhà cửa... "Mô hình dự báo của một số quốc gia như Mỹ, châu Âu dựa trên thuật toán sử dụng dữ liệu từ môi trường sống thì nhiệt độ thực tế ở TP HCM những ngày qua luôn trên 40 độ C", bà Lan nói. Lý giải nguyên nhân, bà Lan cho biết, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino khiến các hình thế thời tiết trở nên cực đoan hơn. Mùa khô nắng nóng sẽ dữ dội hơn, mùa đông sẽ lạnh hơn. Các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, sét, bão lũ... sẽ diễn ra nhiều và mức độ nguy hiểm hơn. Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho thấy, nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng khu vực Nam bộ. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được trong ngày 3/5 là 38,7 độ C tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tại Đồng Phú (Bình Phước) nhiệt độ là 37,3 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37,8 độ C và Tây Ninh 37 độ C. Phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Tại Hà Nội nhiệt độ cao nhất 32 - 34 độ C. Mùa nắng nóng ở khu vực phía Nam năm nay đến sớm, kéo dài hơn so với mọi năm. Theo Thạc sĩ Lê Đình Quyết, phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ảnh hưởng nắng nóng còn chịu thêm tác động bởi hiệu ứng phơn, nên không chỉ nóng mà không khí còn rất khô, gây khó chịu. Tại TP HCM và Nam Bộ nhiệt độ không khí vẫn cao, nắng nóng vẫn diễn ra từng đợt trong tháng 5. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ và dự báo của các Trung tâm Khí hậu trên thế giới, La Nina đang chuyển sang pha trung tính. Điều này khiến cho nhiệt độ có xu hướng tăng dần, kể cả nhiệt độ trung bình và nhiệt độ cao nhất, thấp nhất trong ngày. PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhà khoa học tham gia xây dựng báo cáo về biến đổi khí hậu tại Việt Nam từng chia sẻ với VnExpress, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng cao, nhiệt độ tại Việt Nam có thể đạt tới 4,18 ± 1,57°C. Khi nhiệt độ trung bình tăng nhanh, hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ xuất hiện. "Nếu trước đây 35 độ C được coi là một mức nhiệt độ cao, thì trong tương lai, nó sẽ trở thành mức bình thường với sự xuất hiện của các mức nhiệt mới cao hơn là 40 hoặc 45 độ C". Hạn hán nghiêm trọng có thể xảy ra ở Australia, Indonesia và vài nơi tại Nam Á trong thời kỳ El Nino. Ảnh: Outback Australia/Alamy Trong một công bố mới đây của Liên Hợp Quốc (UN) cho biết khả năng hiện tượng thời tiết El Nino phát triển trong vài tháng tới đang gia tăng, góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu lên ngưỡng cao hơn và tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc UN hôm 3/5 ước tính có khả năng El Nino phát triển vào cuối tháng 7 là 60% và vào cuối tháng 9 là 80%. "Điều này sẽ thay đổi mô hình thời tiết và khí hậu trên khắp thế giới", Wilfran Moufouma Okia, giám đốc bộ phận dự đoán khí hậu khu vực của WMO, chia sẻ trên Guardian. El Nino, hiện tượng khí hậu tự nhiên thường gắn liền với nhiệt độ cao trên toàn cầu, hạn hán ở một số khu vực và mưa lớn ở các nơi khác, xảy ra lần gần nhất vào năm 2018 - 2019. Từ năm 2020, thế giới trải qua thời kỳ La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, trái ngược với El Nino) dài khác thường, kết thúc vào đầu năm nay, nhường chỗ cho điều kiện trung hòa hiện nay. Tuy nhiên, UN cảnh báo 8 năm qua là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận, dù hiệu ứng lạnh của La Nina kéo dài gần một nửa thời gian. Nếu không có hiện tượng đó, tình trạng ấm lên toàn cầu có thể còn trầm trọng hơn. La Nina đóng vai trò phanh hãm tạm thời đối với xu hướng tăng nhiệt độ toàn cầu, theo giám đốc WMO, Petteri Taalas. Ông nhấn mạnh hiện nay, thế giới cần chuẩn bị đối phó với sự phát triển của El Nino. Diễn biến của mô hình khí hậu ấm lên theo dự kiến nhiều khả năng sẽ dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên mốc mới, đe dọa phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ. Ở giai đoạn này, chưa có dấu hiệu nào về cường độ hoặc thời gian kéo dài của hiện tượng El Nino sắp diễn ra. Kỳ El Nino gần nhất được đánh giá khá yếu, nhưng kỳ trước đó vào năm 2014 - 2016 thuộc hàng mạnh nhất với nhiều hậu quả nghiêm trọng. WMO đánh giá năm 2016 là "năm nóng nhất trong lịch sử do kết hợp El Nino rất mạnh và hiệu ứng ấm lên do khí nhà kính từ con người gây ra". Do hiệu ứng El Nino đối với nhiệt độ toàn cầu thường xảy ra vào năm sau khi hiện tượng này xuất hiện, tác động có thể rõ ràng nhất vào năm 2024. WMO dự đoán trong hai năm tới sẽ có sự tăng mạnh về nhiệt độ trên toàn thế giới. An Khang - Hà An Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress