Cấp cứu tại viện tâm thần

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 1, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 155)

    Hà NộiĐang trao đổi công việc, kíp bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vội bật dậy, khi một người đàn ông lao vào, tay cầm hai con dao.


    "Đó là một hình ảnh không thể nào quên", bác sĩ Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, kể lại hôm 28/4. Bệnh nhân dùng nhiều lời lẽ uy hiếp y bác sĩ trong trạng thái kích động.

    Có kinh nghiệm ứng phó những tình huống như thế này, bác sĩ Cầm lựa lời trấn an: "Anh gặp chuyện gì thế? Sức khỏe gần đây thế nào? Có đau đớn ở đâu không? Mọi người trong nhà đối xử với anh như thế nào?". Người đàn ông ban đầu vẫn rất căng thẳng, song đến câu hỏi thứ ba có vẻ đã bình tĩnh hơn. Anh nói rằng rất đau đầu, xuất hiện nhiều hình ảnh lạ rùng rợn trong não, cảm thấy mọi người có ý làm hại mình nên cầm dao phòng thủ.

    Sau 10 phút trò chuyện, bệnh nhân bỏ con dao xuống bàn. Một điều dưỡng nhanh tay cất đi, sau đó ê kíp quyết định xử trí thuốc bằng đường tiêm. Tuy nhiên, khi biết mình phải tiêm thuốc, người đàn ông không chấp nhận, hét lớn, náo loạn cả khu điều trị. Tua trực cùng người nhà hỗ trợ, dùng mọi cách giữ bệnh nhân để thực hiện tiêm thuốc an toàn, sau đó dùng thêm biện pháp cố định tại giường.

    "Không khí lúc đó vô cùng căng thẳng", bác sĩ Cầm miêu tả, thêm rằng tìm hiểu từ người nhà, ê kíp trực phát hiện bệnh nhân có tiền sử sử dụng methamphetamin - một hoạt chất gây nghiện tổng hợp, thuộc nhóm kích thích thần kinh nhiều tháng nay. Trước đó, bệnh nhân bị người nhà cưỡng chế đưa vào viện.

    [​IMG]

    Y bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân tại viện. Ảnh: Thúy Quỳnh


    Theo bác sĩ Cầm, số lượng bệnh nhân cấp cứu trong một đêm không cố định. Lần nhiều nhất là gần chục trường hợp nhập viện trong một tua trực, y bác sĩ gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Trung bình mỗi ngày viện tiếp nhận hơn 300-400 lượt đến khám, hơn 200 giường điều trị nội trú luôn kín chỗ.

    Các chuyên gia cho biết thời gian qua số bệnh nhân khám và điều trị tăng, tương đồng với thống kê toàn cầu. Covid-19 đã trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

    Vào tháng 10/2022, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết gần 15 triệu người Việt Nam đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần; nhiều nhất là trầm cảm, lo âu. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt (dân gian gọi bệnh điên) chiếm 0,47%; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao với khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

    Bác sĩ Cầm cho biết trực cấp cứu chuyên khoa tâm thần mang đặc thù riêng, do bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, hành vi, tư duy nên không làm chủ bản thân, dễ gây nguy hiểm. Ví dụ, bệnh nhân nam 26 tuổi, được gia đình đưa đến viện trong tình trạng trói chân tay. Người nhà cho biết bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần đã lâu, thường xuyên nói một mình, sợ hãi đám đông, hành vi bất thường.

    Khi anh tự làm hại bản thân, gia đình phát hiện và cưỡng chế đưa vào viện. Quá trình khai thác bệnh sử, kíp trực phát hiện chàng trai bị chứng tâm thần phân liệt. Các y bác sĩ cố gắng trấn tĩnh nhưng bệnh nhân vẫn không hợp tác, liên tục kháng cự gỡ dây trói.

    Bác sĩ Cầm chỉ định thuốc tiêm và đưa về giường bệnh. Tuy nhiên, tình trạng kích động của người bệnh làm ảnh hưởng bệnh nhân cùng phòng, y bác sĩ lại phải chuyển anh qua địa điểm khác để có sự chăm sóc phù hợp hơn. "Chúng tôi vừa phải khéo léo trấn an, vừa phải mạnh mẽ cưỡng chế để bệnh nhân được điều trị kịp thời", chị chia sẻ.

    Đa số bệnh nhân nhập viện mắc các rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt. Ê kíp kết hợp các phương pháp khác nhau, bao gồm dùng thuốc tiêm, cố định bệnh nhân tại giường, chăm sóc theo dõi sát ngày đêm.

    Trung bình, một bệnh nhân điều trị 2-3 tuần, khi tinh thần tạm ổn định sẽ được về nhà điều trị ngoại trú. Song, cũng có người sau một thời gian điều trị có biểu hiện kích động trở lại, chống đối hoặc có ý tưởng, hành vi tự sát trong đêm.

    Khi trực đêm, cách hai tiếng, ê kíp phân công đi buồng kiểm tra người bệnh một lần. Nhóm cần được theo dõi nhiều nhất là người trầm cảm nặng, có ý định và hành vi kết thúc cuộc đời. Nhiều tình huống phát sinh trong đêm nếu không phát hiện kịp thời rất nguy hiểm.

    [​IMG]

    Bệnh nhân tâm thần tham gia các hoạt động tại viện. Ảnh: Thúy Quỳnh


    Bác sĩ kể lại một tua trực, khi đang đi buồng qua nhà vệ sinh, phát hiện một bệnh nhân có ý định tự sát. Người phụ nữ 27 tuổi, mắc chứng trầm cảm nặng sau sinh, biểu hiện buồn chán, căng thẳng, mất ngủ. Sự mệt mỏi về thể xác cũng như tinh thần khiến trong đầu chị thường xuyên xuất hiện ý nghĩ tự vẫn, nhất là mỗi lần phải dỗ con khóc đêm, chồng đi vắng.

    Phát hiện người bệnh đang cố dùng ống tay áo làm dây treo cổ, bác sĩ lập tức lại gần, đưa người bệnh trở lại giường. "Giây phút đó, tôi thấu hiểu và thương cảm cho người phụ nữ", bác sĩ nói, thêm rằng tâm trạng của người bệnh dễ thay đổi, đòi hỏi nhân viên y tế không được lơ là, dù bất cứ giây phút nào.

    Một khó khăn khác khi điều trị bệnh nhân tâm thần, là nhiều người còn mắc bệnh nền như tim, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp, viêm ruột thừa. Bác sĩ phải có đánh giá sớm ban đầu, phát hiện, hội chẩn với các chuyên khoa để có chỉ định điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

    Là những người chữa lành tâm lý, nhưng y bác sĩ cũng đôi lúc căng thẳng khi bị người bệnh uy hiếp, tấn công trong cơn kích động. Tuy nhiên, do tiếp xúc với người bệnh tâm thần là công việc thường nhật, nên đa số họ không cảm thấy sợ hãi hay lo âu. Điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có người mất hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều trường hợp gắn với bệnh viện cả đời.

    "Điều tuyệt vời nhất là khi nhìn thấy những người sau một thời gian điều trị, trở về hòa nhập cộng đồng, có nhiều người còn rất trẻ, họ tiếp tục đi học và thành đạt", bác sĩ Cầm cho hay.

    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Cấp cứu tại viện tâm thần

Share This Page