Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy nguyên tố terbium trong khí quyển của KELT-9b, một trong những ngoại hành tinh nóng nhất từng ghi nhận. Minh họa ngoại hành tinh KELT-9b quay quanh sao chủ KELT-9. Video: NASA KELT-9b có nhiệt độ trung bình 4.000 độ C, quay quanh sao chủ KELT-9 cách Trái Đất khoảng 670 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này luôn là đối tượng hấp dẫn với các nhà thiên văn kể từ khi được phát hiện năm 2016. Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Astronomy and Astrophysics, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện kim loại đất hiếm terbium trong khí quyển của KELT-9b. "Chúng tôi đã phát triển phương pháp mới giúp thu thập nhiều thông tin chi tiết hơn. Sử dụng phương pháp này, chúng tôi phát hiện 7 nguyên tố, gồm cả terbium, chất hiếm chưa từng được tìm thấy trong khí quyển của bất cứ ngoại hành tinh nào", Nicholas Borsato, nghiên cứu sinh ngành vật lý thiên văn tại Đại học Lund, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nhà hóa học Thụy Điển Carl Gustaf Mosander phát hiện terbium tại mỏ Ytterby, quần đảo Stockholm, vào năm 1843. Terbium rất hiếm và 99% việc sản xuất terbium của thế giới diễn ra tại khu khai thác Bayan Obo ở Nội Mông. Thông thường, ngoại hành tinh được phát hiện bằng cách đo độ sáng của các ngôi sao. Khi một ngoại hành tinh di chuyển qua phía trước sao chủ, độ sáng của ngôi sao đó giảm đi. Nhờ phương pháp mới của nhóm nghiên cứu, các tín hiệu trong khí quyển của KELT-9b có thể được sàng lọc, mở ra khả năng tìm hiểu thêm về khí quyển của những hành tinh khác. "Hiểu thêm về các nguyên tố nặng hơn giúp chúng tôi xác định tuổi của các ngoại hành tinh và cách chúng hình thành. Việc phát hiện nguyên tố nặng trong khí quyển của ngoại hành tinh siêu nóng là một bước tiến trong công cuộc tìm hiểu khí quyển của các hành tinh. Càng hiểu rõ về những hành tinh này, chúng ta càng có nhiều cơ hội tìm thấy Trái Đất 2.0 trong tương lai", Borsato nói. Thu Thảo (Theo Interesting Engineering) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress