Tàu vũ trụ hoạt động lâu nhất lịch sử kéo dài nhiệm vụ

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 29, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 176)

    NASA kéo dài nhiệm vụ cho Voyager 2, tàu vũ trụ phóng từ năm 1977 và hiện cách Trái Đất hơn 20 tỷ km.

    [​IMG]

    Minh họa tàu vũ trụ Voyager 2. Ảnh: NASA/JPL-Caltech


    Voyager 2 là tàu vũ trụ hoạt động lâu đời nhất của NASA, phóng lên từ Tổ hợp Phóng Không gian 41 tại Trạm Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral trước tàu Voyager 1 hai tuần. Voyager 2 trang bị 5 dụng cụ khoa học, giúp con tàu gửi về vô số dữ liệu giá trị suốt hàng thập kỷ qua.

    Giờ đây, NASA thông báo sẽ dùng một lượng nhỏ năng lượng dự phòng để duy trì hoạt động cho tất cả các dụng cụ khoa học đến năm 2026 thay vì tắt hẳn một dụng cụ trong năm nay, Interesting Engineering hôm 27/4 đưa tin.

    Đến nay, chỉ có bộ đôi tàu Voyager là vật thể nhân tạo đến được vùng không gian liên sao. Chúng đã giúp thay đổi nhận thức của con người về vị trí của Trái Đất trong vũ trụ. Thế giới cũng chỉ có hai con tàu này từng hoạt động ngoài nhật quyển - khu vực gồm các hạt và từ trường do Mặt Trời tạo ra, đánh dấu ranh giới giữa hệ Mặt Trời và vùng không gian liên sao.

    "Dữ liệu khoa học mà bộ đôi tàu Voyager gửi về ngày càng có giá trị khi chúng đi xa Mặt Trời hơn. Vì vậy chúng tôi quan tâm đến việc duy trì hoạt động cho càng nhiều dụng cụ khoa học càng tốt và duy trì lâu nhất có thể", Linda Spilker, nhà khoa học của dự án Voyager tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, giải thích.

    Cả hai tàu Voyager đều hoạt động nhờ các máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG), giúp chuyển đổi nhiệt từ plutonium đang phân rã thành điện năng. Quá trình phân rã khiến các máy phát điện tạo ra ít năng lượng hơn mỗi năm.
    Nhóm phụ trách nhiệm vụ đã tắt dần các hệ thống để giữ cho những dụng cụ khoa học hoạt động. Khi hết sự lựa chọn, họ phải tắt dụng cụ khoa học đầu tiên của Voyager 2, dự kiến trong năm nay. Tuy nhiên, hiện NASA đã tìm ra một giải pháp thay thế.

    Con tàu trang bị một bộ điều chỉnh điện áp có thể kích hoạt mạch dự phòng trong trường hợp có biến động điện áp. NASA quyết định sẽ khai thác nguồn năng lượng dự trữ này để giữ cho cả 5 dụng cụ khoa học của Voyager 2 hoạt động lâu hơn, đến năm 2026. Giải pháp này không an toàn tuyệt đối, nhưng sau hơn 45 năm hệ thống điện trên tàu chạy tương đối ổn định, các chuyên gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nếu phương pháp mới hiệu quả, NASA có thể áp dụng nó cho tàu Voyager 1 khi đến lúc.

    Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tàu vũ trụ hoạt động lâu nhất lịch sử kéo dài nhiệm vụ

Share This Page