Thủ tục cấp bằng sở hữu trí tuệ lâu cùng với khó định giá công nghệ là hai điểm nghẽn gây khó khăn trong chuyển giao công nghệ được chuyên gia chỉ ra. Ý kiến trên được thạc sĩ Phan Văn Hiệp (chuyên gia kỹ thuật điện tử) nói tại tọa đàm "Mô hình tổ chức hỗ trợ và chuyển giao công nghệ phục vụ cho khu công nghệ cao" do Trung tâm nghiên cứu triển khai phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) tổ chức chiều 28/4. Ông Hiệp cho biết bản thân vừa là giảng viên đại học vừa có dự án ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp của SHTP. Ông tự nghiên cứu hệ thống sấy ứng dụng công nghệ IoT và có nhiều năm làm thị trường để thương mại hóa sản phẩm. Để chuyển giao công nghệ phải có sự tham gia của bên cung và cầu công nghệ. Khi công nghệ trở thành một loại hàng hóa, nó cần phải đảm bảo được hai yếu tố về xác lập quyền sở hữu trí tuệ và định giá công nghệ đó. Tuy nhiên, theo ông hiện hai yếu tố này đang bị nghẽn. Thạc sĩ Phan Văn Hiệp chia sẻ quan điểm về mô hình chuyển giao công nghệ tại hội thảo, chiều 28/4. Ảnh: Hà An Lấy ví dụ của bản thân, ông cho biết, hệ thống sấy ứng dụng IoT mới đưa ra thị trường chưa được 2 năm nhưng đến nay có 3 đơn vị sao chép. Một công nghệ khác chưa được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nên ông lo ngại khi ra thị trường sẽ bị sao chép rất nhanh. Ông làm hồ sơ đã 4 năm trước, nhưng đến nay chưa được cấp bằng sở hữu trí tuệ. "Có nhiều đơn vị đề cập việc chuyển giao công nghệ này nhưng tôi không dám đồng ý vì quyền sở hữu trí tuệ chưa được xác lập", ông Hiệp nói. Ngoài việc xác lập quyền, ông cho rằng công nghệ là một loại hàng hóa giao dịch nên cần được định giá. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có đơn vị chuyên định giá công nghệ. Kể câu chuyện tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân khi tiếp xúc với ông mong muốn mua hệ thống sấy dẻo nông sản, giá trị khoảng 20 - 30 triệu đồng. Trong khi ông biết công nghệ này nghiên cứu ở trường đại học tại TP HCM họ chào bán trên dưới 1 tỷ đồng. Giá này ngoài khả năng của nông dân. Vì việc định giá công nghệ chưa có nơi thực hiện, cơ sở để định giá nên nông dân khó tiếp cận với những công nghệ phù hợp với mình. "Xác lập quyền sở hữu và định giá công nghệ là hai nút thắt cần tháo gỡ mới có thể hình thành cơ chế chuyển giao công nghệ hiệu quả", ông Hiệp nói. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Khởi, Giảng viên Khoa vật lý - vật lý kỹ thuật, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM nhấn mạnh về mô hình chuyển giao công nghệ cần có hai yếu tố đầu vào - đầu ra. Trong đó, đầu vào là công nghệ từ viện trường, nhu cầu từ doanh nghiệp và đầu ra là giải pháp công nghệ giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng, nhà khoa học cần được hỗ trợ đăng ký bản quyền cho sản phẩm nghiên cứu, vì đây là bước rất quan trọng để thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường. TS Nguyễn Quang Khởi chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hà An Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, cho biết, đơn vị đang phối hợp các bên liên quan xây dựng đề án thúc đẩy hoạt động thương mại hóa nghiên cứu của các doanh nghiệp trong SHTP. Đề án với mục tiêu phát triển nền tảng online kết nối hai bên cung, cầu công nghệ theo tinh thần tiếp nhận đặt hàng nhu cầu từ doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ từ khối viện trường. Trong đó, mô hình sẽ có một bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đăng ký sở hữu trí tuệ giúp xác lập quyền sở hữu cho nhà nghiên cứu, phục vụ thương mại hóa, cùng với việc hỗ trợ định giá công nghệ. "Tại Việt Nam hoạt động sao chép trái phép công nghệ luôn nhiều hơn việc nghiên cứu phát triển nên cần có những đội ngũ tư vấn xác lập quyền cho nhà khoa học", ông Thành nói. Hà An Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress