Trẻ đổ bệnh do nắng nóng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 27, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 161)

    TP HCMCác bệnh viện nhi mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn trẻ bệnh do trời nắng nóng, tăng khoảng 20%, nhiều gia đình chờ khám từ rạng sáng.


    Trưa 26/4, nhiệt độ ngoài trời khoảng 38, nắng nóng hầm hập, khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn đông phụ huynh cùng con chờ khám bệnh. Đặt chiếc túi xách chứa nước và thức ăn lỉnh kỉnh ở bên cạnh, chị Hân 29 tuổi, chia sẻ đưa con gái 5 tuổi đến bệnh viện chờ khám từ 4h. Con gái chị sốt, ho, sổ mũi nhiều ngày, điều trị ở Bạc Liêu không khỏi, gia đình đưa lên TP HCM khám. Nhà xa, cách thành phố khoảng 250 km, phải đổi xe nhiều chặng, thời tiết lại nắng nóng, mẹ con chị Hân đi chuyến xe khởi hành từ khuya và đến cổng bệnh viện lúc rạng sáng. Lúc này đã có nhiều phụ huynh cùng con chờ trước khu vực khám.

    "Tôi xin bảo vệ bệnh viện cho mắc võng để con ngủ một chút trong khi chờ, đến gần trưa mới khám xong", chị Hân nói, thêm rằng may mà con chị bệnh nhẹ nên được điều trị ngoại trú. Chị quyết định thuê phòng ở lại TP HCM vài hôm, điều trị đến khi con khỏi hẳn mới về quê do Bạc Liêu cũng nóng như Sài Gòn, đi lại khó khăn.

    Ngồi ghế phía sau chị Hân, anh Tùng (An Giang) cùng con trai 8 tuổi cũng đang chờ đến lượt. Đây là lần đầu cha con anh lên thành phố khám bệnh. Anh cho biết đi xe khách từ 2h, có mặt tại bệnh viện lúc 9h sáng và vẫn đang chờ đến lượt để bác sĩ khám. Con anh Tùng đang sốt nhẹ, ho khan, có biểu hiện giật mình bất thường. Bác sĩ khám sàng lọc, sau đó yêu cầu khám chuyên khoa sâu và thực hiện hàng loạt chỉ định như đo điện não, chụp MRI, xét nghiệm máu.

    "Đông quá, phải chụp chiếu nhiều nên con mệt lắm. Tôi định nếu thuận lợi chiều nay khám xong hết sẽ về quê ngay, không thì phải ở lại Sài Gòn thêm một đêm", anh Tùng nói.

    [​IMG]

    Bệnh nhi và thân nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trưa 26/4. Ảnh: Mỹ Ý


    Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện mỗi ngày nơi đây khám 4.000 đến 4.400 lượt bệnh nhi, tăng khoảng 300-500 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh chủ yếu là hô hấp, tiêu hóa và bệnh da mùa hè. Tỷ lệ nhập viện 8-10%.

    Riêng tại khoa Hô hấp 1 của bệnh viện này, bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng cho biết, những ngày qua số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng 20%, đa số bệnh lý liên quan thời tiết nắng nóng như viêm phổi, hen suyễn, viêm dạ dày ruột.

    Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết trung bình mỗi ngày tiếp nhận 3.900-4.000 trẻ. Cao điểm, thường là thứ hai hàng tuần và ngày tiết trời oi bức, số trẻ khám bệnh lên 4.200-4.900. Trong đó, tỷ lệ nhập viện 5,4-5,8%, thấp hơn Nhi Đồng 2.

    "Đa số trẻ bệnh hô hấp và đang có xu hướng tăng nhẹ do nắng nóng", bác sĩ Phương cho biết, thêm rằng số bệnh nhi tương đương quý trước song bắt đầu ghi nhận một số trẻ mắc sốt xuất huyết.

    TP HCM đang trải qua đợt nắng nóng, mức nhiệt thường xuyên là 32-36 độ, dự báo nhiệt độ vẫn cao trong kỳ nghỉ lễ. Ngoài đường phố, mức nhiệt cao hơn 3-4 độ do hiện tượng bức xạ cộng hưởng từ xe cộ, bêtông hóa. Tia cực tím lên mức cực đại là 12-13 - mức cực nguy hiểm.

    Các bác sĩ khuyến cáo nắng nóng khiến trẻ dễ bị viêm hô hấp như viêm họng, amidan, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ cũng dễ bị cảm do thay đổi nhiệt độ trong nhà - ngoài trời - phòng máy lạnh. Trẻ có thể bị bệnh tiêu hóa do thực phẩm dễ hư hỏng. Các bệnh lý viêm da mùa hè như rôm sảy, viêm da tiếp xúc với nắng, nhọt, chốc lở, viêm da cơ địa cũng thường xuất hiện ở trẻ.

    Bác sĩ cũng ghi nhận một số trẻ (sơ sinh, dưới 6 tuổi) vào viện do viêm da, bị rôm sảy ngứa gãi hay đắp lá dẫn đến bội nhiễm, thậm chí bỏng da độ 1 do tiếp xúc với ánh nắng mà không được che chắn. Làn da trẻ non nớt, mỏng manh. Do đó bác sĩ khuyên tránh để trẻ tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, bảo vệ các em khỏi sự nguy hại của tia cực tím.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Trẻ đổ bệnh do nắng nóng

Share This Page