Đảo rác nổi 80.000 tấn chứa đầy sinh vật sống

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 18, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 255)

    Đảo rác rộng 1,6 triệu km2 ở Thái Bình Dương trở thành nơi sinh sống mới của những loài vốn sống ven bờ, cách xa đó hàng nghìn km.

    [​IMG]

    Một lượng lớn rác thải bị đổ ra biển hàng năm. Ảnh: Ocean Cleanup


    Các nhà khoa học phát hiện những cộng đồng sinh vật ven biển, trong đó có cua nhỏ và hải quỳ, sống cách nơi trú ẩn nguyên gốc của chúng hàng nghìn km. Cụ thể, chúng sinh sống trên Đảo rác Thái Bình Dương - cụm rác nổi rộng 1,6 triệu km2 ở vùng biển giữa California và Hawaii. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Ecology and Evolution hôm 17/4.

    Nhóm nghiên cứu tiết lộ, hàng chục loài không xương sống ven biển đã sống và sinh sản trên đảo rác nhựa trôi nổi suốt nhiều năm. Phát hiện mới cho thấy ô nhiễm nhựa có thể thúc đẩy sự hình thành những hệ sinh thái nổi mới của các loài vốn không thể sống sót ở vùng nước mở. Nguyên nhân là khác với vật liệu hữu cơ - thường phân hủy và chìm trong vòng vài tháng hoặc vài năm - rác nhựa có thể trôi nổi trong thời gian dài hơn.

    "Mức độ phổ biến của các loài ven biển thật đáng ngạc nhiên. Chúng hiện diện ở 70% số rác mà chúng tôi tìm thấy", Linsey Haram, nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia Mỹ (NIFA), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

    Haram cùng đồng nghiệp đã kiểm tra 105 đồ nhựa vớt từ Đảo rác Thái Bình Dương từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019. Họ nhận diện được 484 sinh vật biển không xương sống trên các mảnh rác, thuộc 46 loài khác nhau, trong đó 80% thường sống ở môi trường ven biển.

    Ngoài các loài ven biển, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều loài vốn sống ở đại dương rộng lớn. "Trong 2/3 các mảnh rác, chúng tôi thấy cả hai cộng đồng. Chúng cạnh tranh không gian, nhưng rất có thể cũng tương tác theo những cách khác", Haram nói.

    [​IMG]

    Hải quỳ ven biển sống cùng các loài ở vùng biển xa như hà ngỗng và sinh vật hình rêu (Bryozoa) trên một mảnh thùng đựng cá bỏ đi. Ảnh: Linsey Haram/Smithsonian Institution


    Các nhà khoa học chưa rõ chính xác hậu quả của việc các loài mới xuất hiện ở những vùng biển xa xôi. "Có khả năng xảy ra sự cạnh tranh về không gian, vì không gian rất quan trọng ở vùng nước mở. Sự cạnh tranh về thức ăn cũng có thể xảy ra, hoặc chúng có thể ăn thịt lẫn nhau. Rất khó để biết chính xác chuyện gì đang diễn ra, nhưng chúng tôi đã thấy bằng chứng về việc một số loài hải quỳ ven biển ăn sinh vật sống ở vùng nước mở", Haram giải thích.

    Nhóm nghiên cứu cũng chưa rõ làm thế nào các sinh vật ven bờ đến được vùng biển xa và chúng tồn tại ở đó bằng cách nào, ví dụ, liệu chúng chỉ bám vào một mảnh nhựa gần bờ biển và trôi ra, hay chúng có thể xâm chiếm các vật thể mới khi ở ngoài đại dương.

    Đảo rác Thái Bình Dương, rộng gấp đôi bang Texas, là nơi tích tụ nhựa đại dương lớn nhất thế giới. Cụm rác hình thành do một xoáy hải lưu khổng lồ kéo rác về phía trung tâm và "giam" lại. Tổ chức Ocean Cleanup ước tính, có khoảng 1,8 nghìn tỷ mảnh nhựa trong đảo rác nặng khoảng 80.000 tấn này. Phần lớn nhựa trong đảo rác bắt nguồn từ hoạt động đánh bắt cá, trong khi 10% - 20% tổng số rác có thể đến từ trận sóng thần Nhật Bản năm 2011.

    Thu Thảo (Theo CNN)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Đảo rác nổi 80.000 tấn chứa đầy sinh vật sống

Share This Page