Nhiệt độ bề mặt đại dương trong tháng 4 cao nhất lịch sử, phá vỡ mọi kỷ lục từ những năm 1980, khi bắt đầu các phép đo vệ tinh. Bản đồ thể hiện nhiệt độ bề mặt nước biển ngày 13/4, màu nóng biểu thị nhiệt độ cao hơn. Ảnh: ClimateReanalyzer Nhiệt độ đạt mức trung bình toàn cầu là 21,1 độ C trong những ngày đầu tháng 4/2023, Live Science hôm 14/4 đưa tin. Kỷ lục trước đó là 21 độ C, được thiết lập vào tháng 3/2016. Cả hai đều cao hơn một độ so với mức trung bình toàn cầu vào đầu mùa xuân giai đoạn 1982 - 2011, khoảng 20,4 độ C, theo dữ liệu từ Nền tảng Phân tích lại Khí hậu của Đại học Maine. Kỷ lục mới là kết quả của sự tích tụ nhiệt do biến đổi khí hậu, hiện không bị cản trở bởi La Niña - một chu kỳ đại dương tự nhiên với nhiệt độ bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương lạnh hơn. Hiện tượng này diễn ra ba năm qua nhưng đã kết thúc vào tháng 3. "Giờ La Niña đã qua và vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, một khu vực cực kỳ rộng lớn, đang nóng lên", Michael McPhaden, nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm Môi trường Biển Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết. Theo McPhaden, xu hướng nền trên bề mặt đại dương, bề mặt đất liền và khí quyển là nóng lên. Khí nhà kính tích tụ trong khí quyển, làm nóng cả ba khu vực này. Tuy nhiên, các xu hướng sẽ dao động tùy vào chu kỳ La Niña và El Niño. Những năm diễn ra El Niño, bề mặt Thái Bình Dương nóng lên. "Nồng độ khí nhà kính năm 2022 cao nhất từ trước đến nay, nhưng đó không phải năm nóng nhất từng ghi nhận về nhiệt độ bề mặt toàn cầu. Đó là do La Niña. 2016 là năm nóng nhất từng ghi nhận, và đó là vì chúng ta có lượng khí nhà kính lớn trong khí quyển cộng với hiện tượng El Niño mạnh. Sự kết hợp này đẩy nhiệt độ bề mặt toàn cầu tới mức kỷ lục", McPhaden giải thích. Hiện tại, Thái Bình Dương ở trạng thái trung lập, không có El Niño hay La Niña. Nhưng các mô hình dự báo cho thấy khả năng xảy ra El Niño cuối năm nay là khoảng 60%, có thể đồng nghĩa với một năm nắng nóng kỷ lục khác. Theo McPhaden, thường có độ trễ giữa thời điểm các chu kỳ đại dương này bắt đầu và thời điểm nhiệt độ bề mặt nóng lên. "Nếu chúng ta có El Niño mạnh, có thể chúng ta sẽ chứng kiến một kỷ lục mới được thiết lập vào năm 2024", ông nói. Tuy nhiên, rất khó dự đoán El Niño từ các xu hướng đầu mùa xuân vì hệ thống đại dương không ổn định vào thời điểm này và có thể dễ dàng thay đổi, McPhaden nhận định. Các hiện tượng cực đoan hiện đã ảnh hưởng đến sinh vật biển. Những đợt sóng nhiệt biển, khi nhiệt độ đại dương trong một khu vực vượt mức mà các sinh vật bản địa chịu được, đang trở nên phổ biến hơn. Trong đó, san hô đặc biệt dễ tổn thương. Chúng trục xuất các sinh vật đơn bào cộng sinh khi nước trở nên quá nóng. San hô có thể sống sót qua quá trình tẩy trắng này nếu chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra. Nhưng nếu quá trình tẩy trắng diễn ra quá thường xuyên, san hô sẽ chết. "Đây là một trong những mối lo ngại lớn khi nhiệt độ đại dương tăng lên và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển. Các rạn san hô thực sự ảnh hưởng tới kinh tế, từ du lịch đến sinh kế của các quốc đảo, đến nguồn protein biển. Chúng là nguồn thực phẩm lớn với nhiều quốc gia và phải chịu mối đe dọa gấp ba từ sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm và đánh bắt quá mức", McPhaden nói. Thu Thảo (Theo Live Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress