ItalyCác nhà nghiên cứu thiết kế hệ thống quả lắc có thể dễ dàng hấp thụ sóng và giảm nguy cơ xói mòn bờ biển trong tương lai gần. Hệ thống quả lắc có thể bảo vệ bờ biển khỏi tác động từ sóng mạnh. Ảnh: New Scientist Xói mòn bờ biển là kết quả do đất ven biển chịu tác động từ sóng hoặc dòng hải lưu. Vấn đề này đang trở nên ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Để đối phó, các nhà nghiên cứu đề xuất một giải pháp mới là lắp đặt con lắc dưới biển. Mang tên MetaReef, dự án nằm dưới sự chỉ đạo của nhóm nhà chuyên gia đến từ Viện khoa học hải dương thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy. Dự án bao gồm lắp đặt mạng lưới quả lắc neo vào đáy biển. Khi sóng biển đánh qua quả lắc, mỗi thiết bị cộng hưởng bắt đầu dao động, qua đó hấp thụ năng lượng sóng và triệt tiêu chuyển động dữ dội. Quả lắc được làm tự vật liệu kém đặc hơn nước, Interesting Engieering hôm 11/4 đưa tin. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh hệ thống trên có thể dễ dàng hấp thụ sóng, giảm nguy cơ xói mòn bờ biển trong tương lai gần. Giải pháp được thiết kế để bảo vệ những khu vực ven biển có giá trị sinh thái cao hoặc địa điểm thu hút khách du lịch. Ngoài ra, thiết bị có chi phí thấp và ít tác động tới môi trường hoặc vòng tuần hoàn nước. Theo Popular Science, dự án vẫn đang trong giai đoạn thiết kế ban đầu ở phòng thí nghiệm, nhưng kết quả sơ bộ rất hứa hẹn. Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu lắp 11 quả lắc làm từ xylanh nhựa dài nửa mét, đặt chìm trong bể dài 50 m. Kết quả cho thấy thiết bị có thể giảm 80% biên độ sóng. Mục đích của MetaReef là tìm hiểu ý tưởng kiểm soát sóng bằng siêu vật liệu có thể áp dụng cho hệ thống làm suy yếu sóng ở mặt nước tới mức độ nào. Các nhà nghiên cứu tin chắc thiết bị có thể tùy chỉnh cho ứng dụng lớn hơn. Họ sẽ tiếp tục thí nghiệm để tạo ra công cụ tinh vi hơn, có thể dùng để bảo vệ những vùng bờ biển bị đe dọa và công trình như giàn khoan ngoài khơi. Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu sẽ trình bày phát hiện ở Hội thảo quốc tế về sóng và cấu trúc nổi ở Giardini Naxos, Italy, vào đầu tháng 5. An Khang (Theo Interesting Engineering) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress