Các nhà khoa học phát hiện một hố đen siêu lớn đang "chạy trốn" khỏi thiên hà của chính nó, có thể do hệ quả của sự kiện va chạm. Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal Letters hôm 6/4, hố đen này nặng gấp 20 triệu lần Mặt Trời và di chuyển với tốc độ lên tới 6,4 triệu km/h. Nó được phát hiện một cách tình cờ khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale kiểm tra dữ liệu hình ảnh từ kính viễn vọng không gian Hubble. "Chúng tôi nhận thấy một vệt ánh sáng gần như thẳng (dài 200.000 năm ánh sáng) hướng vào tâm của một thiên hà. Vì chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì như vậy trước đây nên quyết định điều tra nó trong một tháng bằng thiết bị quang phổ trên kính viễn vọng Keck I thuộc Đài quan sát WM Keck ở Hawaii", tác giả chính của nghiên cứu Pieter van Dokkum từ Đại học Yale cho biết. Mô phỏng hố đen chạy trốn khỏi thiên hà sau sự kiện va chạm. Ảnh: NASA/ESA Nhóm nghiên cứu suy đoán rằng sự kiện này là kết quả từ một cuộc đụng độ giữa ba hố đen siêu khối lượng khi hai thiên hà chủ của chúng hợp nhất với nhau cách đây 50 triệu năm. Trong đó, một thiên hà có hai hố đen quay quanh nhau và thiên hà còn lại mang theo một hố đen siêu lớn khác. Sự tương tác giữa ba hố đen này diễn ra hỗn loạn, cuối cùng một trong số chúng đã lấy động lượng từ hai hố đen còn lại và lao vút vào không gian. Khi hố đen chạy trốn, nó va chạm với không gian vũ trụ chứa chất đầy khí bụi và hấp thụ chúng trong một quá trình được gọi là bồi tụ, dẫn đến sự hình thành của những ngôi sao mới trên đường đi. Ý tưởng về một hố đen chạy trốn lần đầu được đề cập vào những năm 1970. Nếu các quan sát tiếp theo từ kính viễn vọng không gian James Webb và Đài quan sát tia X Chandra có thể xác nhận suy đoán của nhóm nghiên cứu, nó có thể củng cố một giả thuyết 50 năm tuổi. Đoàn Dương (Theo Space/Interesting Engineering) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress