Để thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng, NASA đang tìm cách bảo vệ các phi hành gia và thiết bị khỏi mây bụi khi hạ cánh. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các đối tác trong ngành đang phát triển hệ thống phóng để đưa con người trở lại Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Tuy nhiên, những đám mây bụi dày đặc xuất hiện trên bề mặt khi tàu vũ trụ hạ cánh đặt ra một thách thức cho các cuộc thám hiểm như vậy. Bụi Mặt Trăng, bao gồm các hạt nhỏ, có thể ảnh hưởng đến bộ đồ du hành vũ trụ, máy móc và thiết bị khoa học, gây hư hỏng về lâu dài. Một rắc rối nhỏ như vậy cũng có thể đe dọa sức khỏe của phi hành gia. Để ngăn ngừa điều này, NASA đang tìm kiếm ý tưởng từ sinh viên đại học về các giải pháp giảm thiểu bụi Mặt Trăng khi hạ cánh, Interesting Engineering hôm 31/3 đưa tin. Sáng kiến mang tên Thử thách Tàu đổ bộ có phi hành đoàn (HuLC) mời các sinh viên nghiên cứu cách điều chỉnh hiệu ứng mây bụi - quá trình mà trong đó một đám mây bụi bị khuấy động bởi tàu vũ trụ khi động cơ được kích hoạt để cung cấp lực đẩy giúp tiếp đất nhẹ nhàng. Mô phỏng bụi Mặt Trăng khi tàu vũ trụ hạ cánh. Đồ họa: AFP Vì bề mặt của Mặt Trăng được bao phủ bởi một vật liệu dạng hạt, gọi là regolith hay lớp đất mặt, nên chúng dễ dàng bị thổi bay vào không trung trong quá trình cất và hạ cánh của nhiều phương tiện không gian khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh hiệu ứng mây bụi có tầm quan trọng hàng đầu đối với NASA để tiếp cận bề mặt Mặt Trăng an toàn. NASA kỳ vọng sinh viên từ các trường đại học được công nhận ở Mỹ có thể nghĩ ra giải pháp sáng tạo cấp hệ thống để giảm thiểu và kiểm soát tác động của bụi đối với hệ thống thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai. "Các ý tưởng nên tập trung vào sự phát triển của tấm chắn bụi, tạo ra thiết bị để kiểm soát tương tác trên bề mặt của bụi, tìm cách nhìn xuyên qua đám mây bụi khi hạ cánh hoặc theo dõi bụi trong quá trình bay lên", cơ quan này cho biết. Tối đa 12 nhóm sinh viên sẽ lọt vào danh sách rút gọn để tham gia Diễn đàn HuLC dự kiến khai mạc vào tháng 6/2024 tại Alabama. Khoản tài trợ 7.000 USD sẽ được cấp cho mỗi nhóm để phát triển bất kỳ mô hình hoặc nguyên mẫu thiết kế nào có liên quan. Tổng số tiền thưởng trị giá 18.000 USD sẽ được chia cho ba đội top đầu, trong đó giải nhất trị giá 10.000 USD. Sáng kiến HuLC được tài trợ bởi Chương trình Hệ thống Đổ bộ có phi hành đoàn của NASA, trong khi các hoạt động được thực hiện bởi Viện Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ. Đoàn Dương (Theo Interesting Engineering/HuLC) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress