Trung Quốc đang hoàn thiện hệ thống dù giúp kiểm soát các tầng đẩy tên lửa rơi trở lại Trái Đất, giảm nguy cơ gây thương vong và thiệt hại. Cảnh sát Indonesia kiểm tra một mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B tại làng Pengadang, Tây Kalimantan. Ảnh: Borneo Post Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà sản xuất tên lửa Trường Chinh, đã gần hoàn thiện thiết kế dù và các hệ thống phụ liên quan để mảnh tên lửa hạ cánh chính xác hơn, Space hôm 29/3 đưa tin. Động thái này được triển khai khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực không gian, vài năm gần đây những mảnh tên lửa đẩy rơi xuống từ các vụ phóng vệ tinh hoặc tàu vũ trụ của Trung Quốc gây ra nhiều rắc rối. Hệ thống dù sẽ được sử dụng để thu hồi các tầng đẩy phụ gắn với các tên lửa Trường Chinh 3B, 3C và 2F. CASC cũng đang xem xét việc thu hồi vỏ bảo vệ hàng hóa của tên lửa - bộ phận giúp bảo vệ tàu vũ trụ và vệ tinh trên đường bay xuyên qua khí quyển. "Trong quá trình tầng đẩy rơi xuống, chúng tôi mở dù và sử dụng khả năng kiểm soát lượn của nó để giảm diện tích khu vực hạ cánh (ban đầu khoảng 30 - 90 km) xuống một diện tích nhỏ hơn. Nhờ đó, tầng đẩy có thể rơi xuống địa điểm chỉ định", Teng Haishan, phó kỹ sư của Viện số 508 thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST), giải thích. "Chúng tôi cũng biến khu vực hạ cánh thành 'giường đáp' bằng cách bổ sung lớp lót, khiến địa điểm này trở nên êm ái như một tấm đệm. Như vậy, tầng đẩy hoàn toàn có thể tái chế mà không hư hại gì", Teng nói thêm. Hệ thống hạ cánh mới được phát triển nhằm giảm nguy cơ thương vong và thiệt hại từ các địa điểm phóng trong đất liền của Trung Quốc, đồng thời giảm chi phí phóng bằng cách giảm nhu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sơ tán những khu vực có người ở trước khi phóng. Teng cho biết, nếu đưa hệ thống hạ cánh vào sử dụng, Trung Quốc có thể tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 249 triệu USD) hàng năm. Các vụ phóng lên quỹ đạo của Trung Quốc tăng mạnh trong thập kỷ qua. Nước này thực hiện 15 vụ phóng vào năm 2013, trong khi năm 2022 phóng tới 64 lần, khiến vấn đề an toàn và chi phí trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí, các vụ phóng Trường Chinh 3B từ Tây Xương, tây nam Trung Quốc, gây ra một số sự cố liên quan đến mảnh tên lửa trong vài năm gần đây. Ba sân bay vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh và được xây dựng sâu trong đất liền vì lý do an ninh. Kết quả là, nhiều thập kỷ sau, các mảnh tên lửa rơi xuống sau vụ phóng trở thành mối nguy hiểm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xây sân bay vũ trụ ven biển tại Văn Xương năm 2014, cho phép nước này phóng những tên lửa mới và lớn hơn. Sân bay vũ trụ Văn Xương đang được mở rộng để thực hiện những vụ phóng thương mại. Thu Thảo (Theo Space) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress