GS.TS Phan Văn Tân cho biết, mưa đá xuất hiện ở Điện Biên và Nghệ An ngày 19/3 là do giao mùa và hiếm khi xảy ra. Chiều tối ngày 19/3, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và một số địa phương lân cận xuất hiện giông lốc kèm mưa đá, khoảng 30 phút, mật độ viên đá dày, có chỗ phủ dày 4-5 cm. Kể với VnExpress, anh Vũ Dũng (Điện Biên) cho biết, nhiều xã như Thanh Xương,Thanh Hưng,Thanh Chăn và vùng lân cận của huyện Điện Biên có mưa đá kèm theo giống lốc. "Mưa nặng và dày nhất ở xã Thanh Chăn, đến trưa 20/3 nhiều nơi đá vẫn chưa tan hết", anh Dũng cho biết. Đây là trận mưa đá thứ hai xảy ra trên địa bàn TP Điện Biên và vùng lân cận kể từ sau Tết. Một ngày trước đó, một số xã Bảo Thắng, Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Bảo Nam, Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng xuất hiện mưa đá đường kính 1-2 cm, trong đó có hạt to hơn ngón tay cái người lớn. Đá đọng lại sau khi hết mưa ghi nhận tại xã Thanh Hưng và Thanh Chăn của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tối 19/3. Ảnh: Dũng Vũ GS.TS Phan Văn Tân, chuyên gia khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cho biết vào tháng giao mùa hè với mùa đông và ngược lại, tại các khu vực vùng núi sẽ xảy ra hiện tượng mưa đá, lốc nhưng không kéo dài. GS Tân lý giải, cuối tháng 3 đầu tháng 4 là giai đoạn sắp kết thúc gió mùa đông bắc, tại khu vực miền Bắc, nhất là một số tỉnh vùng núi phía Bắc, vẫn chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường. Những ngày qua khu vực đang có thời tiết ấm áp, khi xuất hiện một đợt không khí lạnh gây ra đối lưu mạnh sẽ xảy ra hiện tượng như lốc, mưa đá, thậm chí gió mạnh, mưa lớn. Theo chuyên gia, hiện tượng thiên tai do hoạt động không khí lạnh về trong và sau ngày ấm áp như mưa đá không có gì bất thường nhưng xảy ra không nhiều. Ông cho biết, thời gian xuất hiện mưa đá ở các địa phương tại thời điểm giao mùa cũng xảy ra hàng năm, như tháng 3/2013 có đợt mưa đá lớn ở Bát Xát, Lào Cai. Ông cho biết, hiện tượng mưa đá vẫn thường xảy ra, có hạt to hơn ngón tay cái người lớn là bình thường. Năm 2013 trận mưa đá tại Lào Cai có viên đá tới 15 cm (gần một gang tay người), hay năm 2005 tại Hà Nội có hạt to bằng nắm tay. Ông cho biết thêm, việc xuất hiện mưa đá không được coi là do biến đổi khí hậu. Liên quan biến đổi khí hậu có thể hiểu làm gia tăng hoặc giảm đi một số hiện tượng như có năm số ngày rét đậm rét hại giảm đi, nhưng cũng có năm lạnh sâu, rét kéo dài. GS Tân cho hay, bà con ở vùng núi nên đề phòng hiện tượng "thời tiết nguy hiểm" dễ xảy ra những tháng cuối mùa hè đầu mùa đông, hoặc cuối mùa đông đầu mùa hè, bởi lúc đó dễ xảy ra hiện tượng như mưa đá, lốc. Những hạt mưa đá to hơn viên bi, trong đó có hạt to hơn ngón tay cái người lớn ghi nhận tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dũng Vũ Theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mưa đá là hiện tượng kèm những hạt đá có kích thước khác nhau, rơi xuống từ các đám mây dông đối lưu mạnh, phát triển lên rất cao, thường xảy ra trong các cơn dông mạnh, kèm theo mưa rào, cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút. Mưa đá thường xuất hiện ở miền Bắc và Trung vào thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh (tháng 9-11) và từ lạnh sang nóng (tháng 3-5). Với các tỉnh miền núi phía Bắc do chịu ảnh hưởng của hội tụ gió phát triển trên cao nên gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mạnh dẫn đến xảy ra mưa đá, giông lốc. Cơ quan khí tượng cảnh báo đang là thời kỳ giao mùa nên người dân chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá kèm gió mạnh. Như Quỳnh Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress