Meta đang trả giá vì sai lầm của Zuckerberg

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 16, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 288)

    Facebook được đổi tên thành Meta để theo đuổi metaverse nhưng công ty của Mark Zuckerberg đã sa thải 21.000 người sau hơn một năm.


    Ngày 14/3, Mark Zuckerberg thông báo tiếp tục quá trình tinh gọn nhân sự bằng việc sa thải 10.000 người, đồng thời đóng băng 5.000 vị trí tuyển dụng mới. Chỉ trong chưa tới nửa năm, 21.000 nhân sự của Meta bị cho thôi việc. Đây là một phần trong kế hoạch của Meta để "trở thành một công ty tinh gọn và hiệu quả hơn".

    "Năm ngoái với chúng tôi như một lời cảnh tỉnh khiêm tốn. Nền kinh tế thế giới đã thay đổi, áp lực cạnh tranh gia tăng và tốc độ tăng trưởng của Meta chậm lại đáng kể", người đứng đầu Meta cho biết trong một thông báo gửi đến nhà đầu tư. Ông đổ lỗi cho kinh tế hoạt động kém, bất ổn địa chính trị và một số nguyên nhân khách quan khác.


    [​IMG]

    Mark Zuckerberg và hình đại diện của ông trong metaverse. Ảnh: Meta


    Nhưng các nhà đầu tư không nghĩ vậy. Theo Business Insider, cổ đông Meta đã yêu cầu công ty thực hiện "lời cảnh tỉnh khiêm tốn" như lời Zuckerberg nói từ lâu nhưng không được ghi nhận. Ngay từ quý II/2022, phố Wall đã nhận thấy doanh thu của Meta đi xuống đáng kể, nhưng số lượng nhân viên mới ngày một tăng.

    Cuối tháng 10 năm ngoái, hai tuần trước khi Meta sa thải 11.000 nhân sự, Brad Gerstner của Altimeter Capital, đã viết một bức thư ngỏ tới công ty và Zuckerberg, yêu cầu giảm 20% số lượng nhân viên cũng như cắt giảm chi tiêu tổng thể, gồm hàng tỷ USD đầu tư vào metaverse.

    Zuckerberg đã đặt cược tương lai của công ty mình vào metaverse khi chi hàng chục tỷ USD cho các nền tảng ảo, cũng như đầu tư sản xuất kính thực tế ảo thông qua bộ phận Reality Labs. Nhưng đến nay, khi mà "núi tiền" đã bị đốt một phần, tham vọng đó vẫn chưa hình thành rõ nét. Các nhà đầu tư bắt đầu kêu gọi Zuckerberg nên dừng "vụ cá cược" của mình.

    "Giống như nhiều công ty khác mất định hướng, Meta đã trôi dạt vào một vùng đất thừa mứa quá nhiều người, có quá nhiều ý tưởng nhưng lại mất khả năng biến những thứ tiềm năng nhất thành hiện thực", Gerstner viết năm ngoái.

    Thực tế, Reality Labs - nơi đang cố gắng hiện thực hóa tham vọng metaverse của Zuckerberg - đã ngốn gần 14 tỷ USD vào năm ngoái, dự dự kiến lỗ 15 tỷ USD trong năm nay và có thể đang trên đà tiêu tốn 20 tỷ USD mỗi năm trong tương lai gần.

    Trong thông báo 2.000 từ hôm qua, Zuckerberg chỉ đề cập đến từ metaverse hai lần. Tuy nhiên, ông nhắc đến AI bốn lần và gọi công nghệ này là "khoản đầu tư lớn nhất" của Meta. Đây được xem là sự thay đổi lớn so với năm ngoái, khi ông chủ Facebook xem metaverse là nỗi ám ảnh và nhắc đến nó nhiều nhất có thể mỗi khi xuất hiện trước truyền thông hay các bài đăng mạng xã hội.

    Việc chuyển một phần chiến lược sang AI cũng cho thấy Zuckerberg đang loay hoay thế nào với Meta trong việc xác định hướng đi của công ty. Trước đó, CEO này cho biết hệ thống trí tuệ nhân tạo mới của hãng có tên LLaMA. Hôm 14/3, ông nhắc lại vấn đề này: "Chúng tôi có cơ sở hạ tầng để xây dựng AI ở quy mô chưa từng có. Tôi cũng nghĩ những trải nghiệm mà nó mang lại sẽ rất tuyệt vời".

    Theo Mark Mahaney, người đứng đầu mảng nghiên cứu Internet của Evercore, đánh giá Meta và Zuckerberg dường như "đã nghe thấy những phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư về các mục tiêu xa vời và thiếu kỷ luật". Ông cũng dự đoán kết quả tài chính quý III/2023 của Meta có thể cải thiện hơn sau những thay đổi đang diễn ra.

    Các nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực với động thái sa thải mới. Cổ phiếu Meta cùng ngày 14/3 đã tăng 6%. "Điều này quan trọng với nhiều cổ đông, nhất là những người từng cảm thấy không thoải mái khi Zuckerberg chi quá nhiều tiền cho metaverse", Mark Schilsky của quỹ AllianceBernstein, nhận xét.

    Cách tuyển dụng "ngược đời" của Meta

    Britney Levy, người bị Meta sa thải trong đợt cuối năm ngoái, cho rằng công ty đã trả lương cho nhân viên để làm những "công việc giả tạo". "Tôi nằm trong nhóm những nhân viên được tuyển dụng vào một vị trí kỳ lạ: nhóm người không phải làm việc", bà nói trên kênh TikTok cuối tuần trước. "Tôi có thể nghỉ một ngày mà không ai biết".

    Trong video có gần một triệu lượt xem, Levy cho biết bà cảm thấy Meta tuyển người ồ ạt nhưng chỉ nhằm mục đích khiến những công ty khác không thể có họ. Bà cũng tiết lộ đã nói chuyện với đồng nghiệp và nhiều trong đó thất vọng vì được tuyển dụng nhưng không biết làm gì.

    "Họ xem chúng tôi như một loại thẻ Pokemon để sưu tập", Levy nói. "Nhiều người có trình độ cực kỳ cao đã từ chối những nơi khác để về làm việc cho Meta, để rồi nhận ra rằng gia nhập công ty này là bước lùi sự nghiệp".

    Trước đó, tỷ phú công nghệ Thomas Siebel cho biết ông tin những công ty như Meta và Google đã tuyển dụng quá nhiều thời gian qua, đến mức họ không có đủ công việc để sắp xếp cho nhân viên. Đầu tháng này, một chuyên gia công nghệ khác ở Thung lũng Silicon là Keith Rabois cũng đánh giá những công ty lớn tại đây cố ý tuyển dụng nhân sự để làm "công việc giả tạo" rồi sa thải họ chỉ sau thời gian ngắn.

    Thực tế, số lượng nhân viên của Meta tăng vọt trong giai đoạn đại dịch, từ 48.000 người vào tháng 3/2020 lên 87.000 người vào tháng 9/2022, trước khi bắt đầu sa thải diện rộng.

    Meta, Google chưa đưa ra bình luận.

    Bảo Lâm


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Meta đang trả giá vì sai lầm của Zuckerberg

Share This Page