Áo giáp giấy, với ưu điểm là nhẹ và chống rỉ sét, được nhắc đến sớm nhất trong những ghi chép thời nhà Đường (năm 618 - 907). Áo giáp giấy có tay (trái) và mũ giáp bằng cotton, giấy và mây (phải) theo mô tả trong một cuốn sổ quân sự thời nhà Minh. Ảnh: Wikimedia Khi hình dung về chiến tranh cổ đại, nhiều người liên tưởng đến các chiến binh vạm vỡ mặc áo giáp làm từ những miếng sắt hoặc thép. Nhưng theo các ghi chép cổ đại của Trung Quốc, sử dụng áo giáp giấy đôi khi mới là lựa chọn tốt, Ancient Origins hôm 10/3 đưa tin. Nghề làm giấy bắt nguồn từ Trung Quốc và xuất hiện khoảng 2.000 năm trước, vào thời Đông Hán. Thái giám Thái Luân được ghi nhận là người phát minh ra nghề làm giấy, dù giới chuyên gia từng tìm thấy những mẫu giấy cổ xưa và nguyên thủy hơn. Sự ra đời của giấy mang tính cách mạng, cung cấp bề mặt viết thiết thực hơn so với tre, gỗ hay lụa. Ngoài những công dụng dễ thấy, người Trung Quốc cổ đại thậm chí còn dùng vật liệu này để làm áo giáp. Trong lịch sử, người Trung Quốc đã chứng minh khả năng bảo vệ binh lính ấn tượng với nhiều loại vật liệu khác nhau, từ mai rùa, đồng, đá, da và cả thép. Thép được chế tác tài tình thành các miếng nhỏ hình vuông, chữ nhật và hình vảy cá để mang lại khả năng bảo vệ tối ưu trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là những ghi chép cổ xưa về áo giáp bằng lụa và giấy. Áo giáp giấy được đề cập sớm nhất vào thời nhà Đường (năm 618 - 907), nhà nghiên cứu độc lập kiêm người mua bán vũ khí cổ châu Á Peter Dekker cho biết trên tạp chí Hand Papermaking. Shang Suiding được cho là người phát minh ra áo giáp giấy để giúp dân thường tự vệ trong chiến tranh. Người cai quản thành phố cổ He-Dong thậm chí đã trang bị áo giáp bằng giấy xếp nếp cho đội quân 1.000 người. Theo nhà nhân chủng học kiêm nhà địa lý lịch sử Berthold Laufer (1874 - 1934), áo giáp giấy thời Đường được làm từ những tấm giấy gấp lại. Trong khi đó, quân lính ở tỉnh An Huy, nơi nổi tiếng về sản xuất giấy, sử dụng áo giáp giấy cấu tạo từ những miếng vảy hình tam giác. Bản ghi chép chi tiết nhất về áo giáp giấy nằm trong bộ sách "Võ bị chí" năm 1621 của Mao Nguyên Nghi, một chỉ huy hải quân. Mao Nguyên Nghi cho biết, với quân lính ở miền nam, lựa chọn tốt nhất cho bộ binh là áo giáp giấy, kết hợp với nhiều loại lụa và vải. Các ghi chép thời nhà Thanh lại dành sự ưu ái cho giấy Hàn Quốc vì độ dẻo dai. Chương trình MythBusters của kênh truyền hình Discovery Channel từng kiểm tra xem áo giáp giấy có khả năng bảo vệ như thép hay không. Kết quả, áo giáp giấy nhiều lớp cho hiệu quả tốt hơn khi chống lại kiếm và tên. Võ sư Scott Rodell giải thích, giấy có thể được gấp lại và khâu thành miếng trong túi cotton để tạo thành những mảnh vảy giấy lẻ, sau đó khâu vào một lớp lót bằng cotton. Áo giáp giấy hiệu quả với tên và súng hỏa mai, nhưng không hiệu quả với đạn súng trường. Ưu điểm của áo giáp giấy là trọng lượng nhẹ và khả năng chống rỉ sét. Những chiếc áo chống đạn hiện đại vẫn dựa trên các nguyên tắc tương tự. Thu Thảo (Theo Ancient Origins) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress