Turbine khí lớp F đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đã vượt qua quá trình chạy thử nghiệm và chính thức được đưa vào sử dụng thương mại. Cấu tạo turbine khí lớp F tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Video: CGTN Turbine công suất 50 MW, do Tập đoàn Điện khí Đông Phương (DEC) phát triển, bắt đầu phát điện cho một nhà máy chu trình hỗn hợp - sử dụng cả turbine khí và hơi nước - ở thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông vào tuần này, đánh dấu bước đột phá của Trung Quốc trong lĩnh vực turbine khí hạng nặng. Được đặt tên là G50, thiết bị gồm hơn 20.000 bộ phận, có thể tạo ra hơn 70.000 megawatt-giờ điện mỗi giờ, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của 7.000 hộ gia đình trong một ngày. So với các tổ máy phát nhiệt điện cùng công suất, nó có thể giảm hơn 500.000 tấn khí thải carbon mỗi năm. Khi hoạt động, tốc độ của turbine đạt 6.000 vòng quay mỗi phút, nhiệt độ sẽ vượt quá 1.300°C và áp suất đạt 18 atm, tương đương với áp suất nước ở độ sâu 180 m dưới đáy biển. Turbine khí G50 được đưa vào hoạt động tại một nhà máy điện ở Thanh Viễn, Quảng Đông. Ảnh: CGTN Ai Song, nhà thiết kế chính của DEC, cho biết họ đã mất 13 năm để thiết kế và chế tạo G50, với sự hỗ trợ của hàng trăm công ty, trường đại học và tổ chức nghiên cứu. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới gần 2 tỷ nhân dân tệ. "Chúng tôi đã đạt được khả năng thiết kế và sản xuất tất cả các thành phần của turbine khí hạng nặng lớp F", Song nói thêm. Turbine khí hạng nặng là thiết bị cốt lõi của các nhà máy phát điện, nhưng không dễ để làm chủ công nghệ này vì chúng liên quan đến khí động học, cơ học chất rắn, quá trình đốt cháy và nhiều lĩnh vực khác. DEC đã xây dựng một chuỗi cung ứng nội địa hóa để chế tạo turbine khí hoàn chỉnh, đảm bảo khả năng kiểm soát độc lập, an toàn và đáng tin cậy. Đoàn Dương (Theo CGTN/China News) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress