Nhật Bản tạo ra chuột con từ hai con chuột đực

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 9, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 509)

    Thí nghiệm tạo ra động vật có vú từ hai con đực có thể mở đường cho phương pháp điều trị vô sinh ở người.


    [​IMG]

    Thí nghiệm của Hayashi cho ra đời những con chuột non khỏe mạnh. Ảnh: iStock


    Các nhà khoa học tạo ra chuột con với hai chuột bố bằng cách sản xuất trứng từ tế bào con đực, bước phát triển mở ra nhiều khả năng sinh sản mới. Thành tựu này có thể dọn đường cho việc điều trị nhiều dạng nghiêm trọng của vô sinh, cũng như đem đến hy vọng cho những cặp đồng tính muốn có con chung trong tương lai, Guardian đưa tin. "Đây là trường hợp đầu tiên tạo ra tế bào trứng khỏe mạnh của động vật có vú từ tế bào con đực", Katsuhiko Hayashi, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Kyushu, Nhật Bản, cho biết. Hayashi nổi tiếng là nhà tiên phong trong lĩnh vực nuôi cấy trứng và tinh trùng.

    Hayashi công bố quá trình phát triển trứng tại Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gene người lần thứ ba ở Viện Francis Crick tại London hôm 8/3. Ông dự đoán có thể tạo ra tế bào trứng người tồn tại được từ tế bào da nam giới trong vòng một thập kỷ. Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng khung thời gian này khá lạc quan bởi giới khoa học vẫn chưa thể tạo ra tế bào trứng người sống được từ tế bào nữ giới.

    Trước đây, các nhà khoa học tạo ra chuột với hai chuột bố sinh học thông qua hàng loạt bước tỉ mỉ, bao gồm biến đổi gene. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trứng được tạo ra từ tế bào con đực, đánh dấu một bước tiến quan trọng. Hiện nay, nhóm của Hayashi đang tìm cách áp dụng thành tựu này với tế bào con người, dù có nhiều trở ngại lớn đối với sử dụng trứng nhân tạo cho mục đích lâm sàng, bao gồm xác định độ an toàn. Hayashi chia sẻ cá nhân ông ủng hộ sử dụng công nghệ trong lâm sàng để hai người đàn ông có con chung nếu có thể chứng minh phương pháp an toàn.

    Kỹ thuật cũng có thể áp dụng để điều trị những dạng vô sinh nghiêm trọng, bao gồm phụ nữ mắc hội chứng Turner khiến một bản sao của nhiễm sắc thể X bị thiếu hoặc khiếm khuyết một phần. Theo Hayashi, ứng dụng này là động lực cơ bản cho nghiên cứu. Tuy nhiên, tế bào người đòi hỏi thời gian nuôi cấy lâu hơn nhiều để tạo ra trứng hoàn chỉnh, có thể làm tăng nguy cơ tế bào trải qua những thay đổi gene không mong muốn.

    Trong thí nghiệm của Hayashi và cộng sự, tế bào da của chuột đực được lập trình lại thành trạng thái giống như tế bào gốc để tạo ra tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS). Nhiễm sắc thể Y của những tế bào này sau đó bị loại bỏ và thay thế bằng nhiễm sắc thể X "mượn" từ tế bào khác nhằm tạo ra tế bào iPS với hai nhiễm sắc thể X giống nhau.

    Cuối cùng, các tế bào được cấy vào mô 3D cực nhỏ của tử cung, một hệ thống nuôi cấy mô phỏng điều kiện bên trong tử cung chuột. Khi trứng được thụ tinh bằng tinh trùng thông thường, nhóm nghiên cứu thu được khoảng 600 phôi và cấy vào chuột mang thai hộ, cho ra đời 7 con chuột non. Hiệu quả thấp hơn 1% so với hiệu quả khi lấy trứng từ con cái. Những con chuột non có vẻ khỏe mạnh với tuổi thọ bình thường và sinh con khi trưởng thành.

    Giáo sư George Daley, hiệu trưởng Trường y Harvard, nhận xét nghiên cứu này rất thú vị, nhưng ông cũng nhấn mạnh các nghiên cứu khác chỉ ra tạo tế bào sinh dục từ tế bào người khó khăn hơn nhiều so với tế bào chuột. "Chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ về cơ chế sinh học độc đáo của quá trình hình thành giao tử ở người để mô phỏng theo nghiên cứu của Hayashi ở chuột", Daley nói.

    Giáo sư Amander Clark, chuyên gia về tế bào sinh dục nuôi cấy ở Đại học California Los Angeles, cho biết ứng dụng nghiên cứu ở tế bào người sẽ là một đột phá lớn, bởi giới khoa học vẫn chưa thể tạo ra trứng người từ tế bào nữ giới. Các nhà nghiên cứu từng tạo ra tiền thân của trứng người, nhưng tế bào ngừng phát triển trước thời điểm phân bào, bước phân chia tế bào quan trọng trong quá trình phát triển của trứng và tinh trùng hoàn chỉnh.

    An Khang (Theo Guardian)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nhật Bản tạo ra chuột con từ hai con chuột đực

Share This Page